Fica
  1. Quốc tế

"Mùa đông gọi vốn” ở Đông Nam Á vẫn chưa qua

Nguồn vốn đầu tư đổ vào Đông Nam Á trong quý I/2024 vẫn thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo của Tracxn Technologies - Nền tảng dữ liệu thị trường về đầu tư mạo hiểm, cho thấy trong quý I/2024 (tính đến 15/3/2024) các công ty khởi nghiệp công nghệ ở Đông Nam Á đã gọi thành công 816 triệu USD.

Con số này giảm tới 40% so với tổng nguồn vốn 1,36 tỷ USD huy động được trong quý I/2023 và giảm 13% so với 935 triệu USD huy động được trong quý cuối cùng của năm 2023.

Theo Tracxn, sự sụt giảm trong nguồn vốn đầu tư rót vào khu vực bị ảnh hưởng chủ yếu bởi sự thiếu vắng các thương vụ gọi vốn ở giai đoạn cuối. Cụ thể, số vốn rót vào các startup ở những vòng cuối của quý I/2024 chỉ là 175 triệu USD, giảm tới 80% so với mức 860 triệu USD của quý IV/2023.

Trong quý này, không có vòng gọi vốn nào vượt quá giá trị 100 triệu USD. Chỉ có 3 công ty khởi nghiệp công nghệ ở Singapore huy động được lần lượt 60 triệu USD, 75 triệu USD và 90 triệu USD.

Tuy nhiên, điểm tích cực là dòng vốn đang tăng trưởng qua từng tháng. Cụ thể, trong tháng 3/2024, các công ty khởi nghiệp công nghệ ở Đông Nam Á đã huy động được 371 triệu USD qua 42 vòng gọi vốn.

Con số này thấp hơn 34% so với số liệu tháng 3 năm ngoái, tuy nhiên đã cao hơn 3,34% so với tổng số vốn huy động được trong tháng 2/2024.

Nguồn vốn rót vào khu vực Đông Nam Á qua các tháng (từ tháng 4/2023 đến tháng 3/2024). Ảnh: Traxcn

Theo Tracxn, thị trường đầu tư vẫn còn nhiều biến động trên toàn cầu và xu hướng tương tự cũng có thể thấy ở khu vực Đông Nam Á. Nhưng nhìn một cách tổng quan, Đông Nam Á vẫn là khu vực có nhiều hứa hẹn với giới đầu tư, được thể hiện qua một số yếu tố nhất định.

“Tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực này cao hơn so với nhiều nước khác”.

“Dân số trẻ trong khu vực và việc áp dụng công nghệ ngày càng tăng có thể đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của startup. Nếu các công ty khởi nghiệp biết cách xác định và lấp đầy những khoảng trống trên thị trường bằng các giải pháp bền vững, họ chắc chắn sẽ gia tăng quy mô”, Traxcn đánh giá..

Riêng tại Việt Nam, hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ đã huy động được tổng số vốn là 35,7 triệu USD trong quý đầu tiên của năm 2024 (tính đến ngày 15/3/2024), giảm 39% so với cùng kỳ 2023.

Tuy nhiên, theo Tracxn, số vốn startup công nghệ Việt Nam huy động trong quý này đã tăng tới 467% so với mức 6,3 triệu USD huy động được trong quý IV/2023. 

Nhìn chung, trong quý I/2024, Việt Nam đứng thứ ba khu vực về số vốn đầu tư mà startup huy động được, sau Singapore và Indonesia. Đây là sự thay đổi tích cực so với quý IV/2023, khi Việt Nam đứng ở vị trí thứ 4 .

Phần lớn nguồn vốn được đổ về Be Group, startup cung cấp dịch vụ đặt phương tiện di chuyển, giao hàng nhanh. Với 31,2 triệu USD trong vòng series-B, thương vụ gọi vốn của Be Group chiếm hơn 87% nguồn vốn huy động cả thị trường. Điều này cho thấy các nhà đầu tư vẫn ưu tiên rót vốn vào startup đã có thành công nhất định trong hoạt động, chứng minh được mô hình, sản phẩm kinh doanh phù hợp với thị trường và đang trong giai đoạn mở rộng đội ngũ và phạm vi hoạt động.

Cũng trong quý này, các nhà đầu tư ngoại đã cởi mở hơn với startup Việt gọi vốn ở giai đoạn đầu. Cụ thể, các nhà đầu tư đã rót 4,5 triệu USD trong vòng gọi vốn hạt giống cho giới startup công nghệ Việt Nam. Trong khi không có vòng vốn giai đoạn đầu nào được ghi nhận trong quý cuối cùng của năm 2023.

Traxcn đánh giá: “Việt Nam đã trở thành một trung tâm khởi nghiệp mới nổi ở Đông Nam Á và hệ sinh thái này có tiềm năng phát triển trong những năm tới”.

Theo Nhung Bùi

Báo Đầu tư