Cảnh báo này được mạng xã hội khổng lồ Mỹ đưa ra trong báo cáo thường niên tuần trước khi các cơ quan quản lý ở châu Âu đang soạn thảo quy định mới về việc chuyển dữ liệu người dùng châu Âu sang bên bờ Đại Tây Dương.
Meta dọa sẽ đóng cửa Facebook và Instagram ở châu Âu nếu không được tiếp tục chuyển dữ liệu người dùng giữa châu Âu và Mỹ (Ảnh: Getty).
Facebook cho biết: "Nếu đạo luật truyền dữ liệu xuyên Đại Tây Dương mới không được thông qua và Meta không thể tiếp tục dựa vào SCC (các điều khoản hợp đồng tiêu chuẩn) hoặc dựa vào các phương tiện truyền dữ liệu thay thế khác từ châu Âu đến Mỹ, chúng tôi sẽ không thể để cung cấp một số sản phẩm và dịch vụ quan trọng nhất của chúng tôi, bao gồm Facebook và Instagram, ở châu Âu".
Bởi điều này "sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng và bất lợi đến hoạt động kinh doanh, tình hình tài chính và kết quả hoạt động của chúng tôi", công ty này cho biết thêm.
Tuy nhiên, nói trên Twitter, nhà lập pháp châu Âu Axel Voss cho rằng: "Meta không thể đe dọa EU từ bỏ các tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu của mình" và nhấn mạnh "việc rời khỏi EU sẽ là mất mát của họ".
Nói với CNBC, người phát ngôn của Meta cũng cho biết, công ty không hề mong muốn và không có kế hoạch rút khỏi châu Âu.
"Nhưng thực tế đơn giản là Meta và nhiều doanh nghiệp, tổ chức và các dịch vụ khác đều dựa vào việc truyền dữ liệu giữa EU và Mỹ để vận hành các dịch vụ toàn cầu", Meta cho biết.
Ủy ban châu Âu vẫn chưa có bình luận về vấn đề này.
Tháng 8/2020, tờ The Wall Street Journal trích dẫn các nguồn tin cho hay, Ủy ban Bảo vệ của Ireland đã gửi cho Facebook một lệnh yêu cầu ngừng chuyển dữ liệu người dùng từ châu Âu sang Mỹ.
Nói với Bloomberg, Patrick Van Eecke, một đối tác và là người đứng đầu mảng dữ liệu và mạng tại công ty luật Cooley LLP, các cơ quan bảo vệ dữ liệu châu Âu đang xem xét kỹ lưỡng những biện pháp bảo mật bổ sung để cho phép các công ty gửi dữ liệu qua lại trong trường hợp không có thỏa thuận mới.
"Tôi không ngạc nhiên khi các công ty bên ngoài châu Âu đang cân nhắc lại việc tiếp tục cung cấp dịch vụ cho thị trường châu Âu có hợp lý hay không vì không còn nhiều lựa chọn nữa", Van Eecke nói.
Đây không phải là lần đầu tiên Facebook đe dọa đóng cửa các dịch vụ của mình. Vào năm 2020, công ty này cũng cho biết có kế hoạch chặn việc chia sẻ tin tức ở Australia, trong nỗ lực chống lại một đạo luật đề xuất buộc Facebook phải trả tiền cho các công ty truyền thông khi đăng các bài báo của họ.