Fica
  1. Quốc tế

Lý do khiến Mỹ khó dồn Huawei đến “chân tường”

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Mặc dù chính quyền Mỹ đã công bố các lệnh cấm vận nhằm vào Huawei gần đây song Washington được cho là khó có thể dồn gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc vào bước đường cùng.

Lý do khiến Mỹ khó dồn Huawei đến “chân tường” - 1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi (Ảnh: Reuters)

Nếu thực hiện một cách nghiêm túc và lâu dài, lệnh cấm của chính phủ Mỹ đối với việc bán các công nghệ của Washington cho tập đoàn Huawei có thể khiến gã khổng lồ về thiết bị viễn thông của Trung Quốc “tê liệt” hoạt động kinh doanh.

Nếu lệnh cấm đó được áp dụng mở rộng với nhiều công ty Trung Quốc hơn như tin đồn, chính sách kiểm soát xuất khẩu của Mỹ có thể sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế không chỉ cho Trung Quốc, mà còn cho các doanh nghiệp Mỹ và quốc tế. Về lâu dài, thế giới có thể sẽ chia thành hai khối công nghệ tách biệt và thù địch nhau, từ đó có thể dẫn tới những tác động “thảm họa” cho các mối quan hệ quốc tế trong tương lai.

Mặc dù vẫn có những lý do hợp lý để tin rằng viễn cảnh chiến tranh lạnh Mỹ - Trung về công nghệ có thể né tránh được, song nguy cơ tiềm ẩn vẫn rất lớn.

Tuần trước, truyền thông nhà nước Trung Quốc ồ ạt tung hô những tuyên bố mang đậm tinh thần dân tộc về việc Huawei vẫn có thể phát triển thịnh vượng bất chấp lệnh cấm của Mỹ, cũng như cách Trung Quốc phát triển công nghệ của riêng nước này để thay thế cho công nghệ Mỹ nhằm tạo ra lợi thế kinh tế riêng của Bắc Kinh. Tuy nhiên, cả hai mục tiêu trên đều không dễ dàng đạt được.

Thế khó của Trung Quốc

Lý do khiến Mỹ khó dồn Huawei đến “chân tường” - 2

Huawei là một trong những hãng viễn thông dẫn đầu thế giới về công nghệ 5G (Ảnh: Reuters)

Các thiết bị viễn thông và điện thoại di động của Huawei phụ thuộc rất nhiều vào các thành phần từ Mỹ, đặc biệt là chất bán dẫn và phần mềm. Một số thành phần thậm chí khó có thể thay thế bằng các sản phẩm không phải do Mỹ sản xuất. Ngay cả khi Trung Quốc tìm đến các nhà cung cấp khác như Hàn Quốc hay Nhật Bản, sản phẩm của các nước này thông thường cũng sử dụng bản quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ.

Điều này đồng nghĩa với việc các nhà cung cấp Hàn Quốc và Nhật Bản cũng có thể nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ nếu họ bán sản phẩm cho Huawei. Đây cũng là lý do khiến Panasonic và Hitachi tuần trước dừng chuyển các lô linh kiện thiết yếu cho Huawei.

Theo SCMP, Huawei được cho là có khả năng sống sót trong bối cảnh Mỹ siết chặt kiểm soát xuất khẩu vì tập đoàn này cũng có một công ty bán dẫn riêng là HiSilicon. Công ty này cho phép Huawei hoạt động độc lập mà không cần tới chip do Mỹ sản xuất.

Tuy nhiên, các sản phẩm của HiSilicon vẫn phải phụ thuộc vào thiết kế từ nước ngoài. Ví dụ, hệ thống chip của HiSilicon sử dụng bộ xử lý do ARM, một công ty của Anh, sản xuất. Tuần trước, ARM đã cắt đứt mọi liên kết với Huawei vì thiết kế của ARM cũng có bản quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ.

Các quan chức Trung Quốc tuyên bố họ không lo lắng. Đối mặt với chính sách kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, Bắc Kinh đã lên kế hoạch rót mọi nguồn lực để đầu tư cho chương trình phát triển thiết kế, chip bán dẫn và phần mềm của riêng mình.

Tuy vậy, thành tích của Trung Quốc trong lĩnh vực này không mấy khả quan. Vào cuối thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, chính phủ Trung Quốc từng theo đuổi chương trình “sáng tạo bản sắc” nhằm thiết kế chip riêng của nước này và đầu tư hàng tỷ USD vào các công ty như Grace Semiconductor nhưng vẫn không thành công.

Nỗ lực của Trung Quốc nhằm sản xuất chip nội địa dựa trên công nghệ nước ngoài cũng gặp nhiều khó khăn. Dự án sản xuất chip nhớ DRAM Fujian Jinhua của Trung Quốc đã sụp đổ vào năm ngoái bởi chính sách kiểm soát xuất khẩu của Mỹ sau khi Washington cáo buộc Bắc Kinh đánh cắp thiết kế từ hãng chip khổng lồ Micron của Mỹ.

Hơn 12 năm sau khi được thành lập để sản xuất chip nhớ NAND, Yangtze Memory Technologies, công ty từng được xem là đối thủ của Samsung, vẫn bị tụt hậu ít nhất 5 năm so với gã khổng lồ từ Hàn Quốc. Giới hoài nghi nhận định các ông chủ của công ty Trung Quốc thành công trong lĩnh vực phát triển bất động sản hơn là sản xuất chip.

Trung Quốc cũng không có thêm thành tựu nào trong lĩnh vực phát triển phần mềm. Sau gần 20 năm với sự hậu thuẫn của nhà nước, các công ty Trung Quốc vẫn không thể cho ra đời một hệ điều hành nội địa cho máy tính cá nhân để đối trọng với Microsoft Windows. Thành tích tốt nhất của Trung Quốc là xây dựng một hệ điều hành giống như Windows XP dù Microsoft đã dừng phát triển Windows XP từ hơn 10 năm nay.

Bất chấp những tuyên bố mạnh mẽ trong suốt 10 năm qua, Trung Quốc vẫn chưa đạt được thành công rõ rệt trong việc phát triển hệ điều hành điện thoại thông minh.

Sự tồn tại của Huawei

Lý do khiến Mỹ khó dồn Huawei đến “chân tường” - 3

Tổng thống Trump trao đổi với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Nhà Trắng trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang. (Ảnh: Tribune News Service)

Tất cả những lý do trên giải thích cho việc Huawei sẽ không thể tồn tại nếu Mỹ kéo dài lệnh cấm vận. Tập đoàn khổng lồ của Trung Quốc vẫn phải phụ thuộc vào bản quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ để duy trì hoạt động kinh doanh và cạnh tranh với các đối thủ. Đây cũng là lý do khiến nền kinh tế Trung Quốc chưa thể phát triển thịnh vượng ngay cả khi tìm cách tự chủ về công nghệ, dù Chủ tịch Tập Cận Bình cố đẩy mạnh sáng kiến này.

“Trung Quốc không thể thành công nếu trông cậy hoàn toàn vào công nghệ nội địa. Sẽ chỉ mất thêm thời gian cho hoạt động sáng tạo của riêng Trung Quốc”, ông Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập tập đoàn Huawei thừa nhận tuần trước.

Phát biểu của ông Nhậm Chính Phi cho thấy rằng dù nỗ lực tự chủ về công nghệ của Trung Quốc được hậu thuẫn mạnh mẽ đến đâu, điều đó cũng khó có thể thay thế cho dòng chảy công nghệ toàn cầu.

Về lâu dài, nếu Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược trên thì kết quả rõ rệt nhất là sự cô lập về công nghệ. Trung Quốc có thể tạo ra một khối gồm những nước đồng minh cùng sử dụng hệ thống, tiêu chuẩn và phần mềm của Trung Quốc. Tuy nhiên nếu tách biệt khỏi phần còn lại của thế giới, những nước thuộc khối này sẽ mãi đi sau về công nghệ và phải trả chi phí cơ hội rất lớn cho sự phát triển kinh tế của họ.

Tính toán của Mỹ

Tuy vậy, viễn cảnh không mấy tươi sáng này vẫn có thể tránh được. Mặc dù vẫn có những tiếng nói “diều hâu” tại Mỹ muốn dồn Huawei vào chân tường, song điều này cũng sẽ mang lại những thiệt hại cho Mỹ.

Huawei và các công ty công nghệ khác của Trung Quốc là những khách hàng lớn của các công ty Mỹ, do vậy các công ty này có thể chịu thiệt hại đáng kể từ lệnh cấm xuất khẩu của chính quyền Mỹ. Hơn nữa, lợi ích lớn nhất của Mỹ vẫn là đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc về thuế quan.

Theo đó, chính quyền Mỹ nhiều khả năng sẽ không đặt mục tiêu “tiêu diệt” Huawei, mà chỉ muốn kiềm tỏa gã khổng lồ của Trung Quốc. Bằng việc cấm Huawei tiếp cận với các công nghệ tiên tiến của Mỹ, Washington có thể khiến tập đoàn này trở nên kém hấp dẫn hơn với tư cách là một đối tác của các đồng minh của Mỹ trên toàn thế giới, từ đó khiến Huawei trở nên suy yếu đáng kể. Điều này cũng đủ làm hài lòng giới tình báo Mỹ, vốn coi sự thống trị toàn cầu của Huawei là mối đe dọa với an ninh quốc gia Mỹ.

Thành Đạt

Tổng hợp