Bà Aung San Suu Kyi hiện đang bị quân đội Myanmar bắt giữ (Ảnh: Getty).
Ngày 11/3, phát ngôn viên quân đội Myanmar Zaw Min Tun cáo buộc bà Suu Kyi nhận hối lộ 600.000 USD và vàng trị giá khoảng 627.905 USD.
"Cáo buộc này là trò nực cười nhất. Bà ấy có thể có nhược điểm ở các lĩnh vực khác, nhưng bà ấy không có nhược điểm về nguyên tắc đạo đức", luật sư của bà Suu Kyi, Khin Maung Zaw, viết trên mạng xã hội.
Cáo buộc ngày 11/3 được xem là nghiêm trọng nhất nhằm vào bà Suu Kyi kể từ khi quân đội Myanmar tiến hành cuộc đảo chính ngày 1/2 và bắt giữ bà vì cáo buộc rằng cuộc bầu cử tháng 11/2020 có gian lận. Trong cuộc bầu cử, đảng NLD của bà Suu Kyi đã giành chiến thắng áp đảo.
Theo Reuters, việc cáo buộc tham nhũng được bổ sung thêm vào bản án chống lại bà Suu Kyi đồng nghĩa với việc bà có thể đối mặt với hình phạt nặng hơn. Hiện thời, bà đang bị cáo buộc mắc 4 tội danh nhẹ hơn như vi phạm lệnh hạn chế Covid-19, sở hữu trái phép thiết bị vô tuyến, phát tán thông tin "có thể gây hoảng sợ".
Sau khi bị bắt hôm 1/2, quân đội Myanmar vẫn đang giam giữ bà Suu Kyi ở một địa điểm bí mật.
Theo Irrawaddy, quân đội Myanmar hiện đang mở cuộc điều tra tham nhũng nhằm vào bà Suu Kyi, Tổng thống U Win Myint và nhiều bộ trưởng thuộc đảng NLD từ chính phủ dân sự.
Trang tin trên cho biết, nếu bị xác nhận mắc tội tham nhũng, bà Suu Kyi hay ông U Win Myint có thể đối diện với án tù tối đa 15 năm.
Căng thẳng chưa hạ nhiệt
Cho tới nay phong trào biểu tình phản đối đảo chính ở Myanmar vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Người biểu tình đòi thả bà Suu Kyi cùng các lãnh đạo dân sự, yêu cầu quân đội công nhận kết quả cuộc bầu cử năm ngoái.
Dù hôm qua Myanmar trải qua một những ngày "đẫm máu" nhất kể từ sau khi đảo chính diễn ra với 12 người thiệt mạng, các nhóm biểu tình hôm nay vẫn tiếp tục lên kế hoạch tổ chức thêm các cuộc tuần hành và đình công để yêu cầu quân đội bàn giao lại quyền điều hành đất nước cho chính phủ dân sự.
Theo số liệu từ Liên Hợp Quốc, cho tới nay 70 người đã thiệt mạng trong phong trào xuống đường biểu tình ở Myanmar khi cảnh sát sử dụng đạn cao su vòi rồng, hơi cay, đạn thật để giải tán đám đông. Trong khi đó, khoảng 2.000 người khác đang bị bắt giữ.
Trước khi 12 người thiệt mạng vào hôm qua, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã kêu gọi quân đội Myanmar kiềm chế. Tuy nhiên, quân đội Myanmar trước đó khẳng định rằng lực lượng này hoạt động có kỷ luật và chỉ sử dụng vũ lực khi cần thiết.
Quân đội Myanmar hôm qua tuyên bố rằng họ sẽ chỉ nắm quyền điều hành đất nước trong một khoảng thời gian nhất định trước khi bầu cử diễn ra. Quân đội hiện đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc kéo dài 1 năm, nhưng chưa ấn định ngày tổ chức bầu cử.
Đức Hoàng
Theo Reuters