Fica
  1. Quốc tế

Lời cảnh báo đáng sợ về tương lai chỉ số S&P 500 của nhà quản lý quỹ John Hussman

Đại Phú
Đại Phú

Theo ông, “định giá trị trường hiện đang ở một trong những giai đoạn bong bóng đỉnh điểm trong lịch sử nước Mỹ”.

Thị trường chứng khoán Mỹ đang được định giá quá cao và có thể “sụp đổ” hơn 60%, Nhà đầu tư kỳ cựu John Hussman cảnh báo. 

“Định giá trị trường hiện đang ở một trong những giai đoạn bong bóng đỉnh điểm trong lịch sử nước Mỹ”, Vị chủ tịch Quỹ tín thác Hussman Investment Trust, chia sẻ trong báo cáo nghiên cứu thị trường mới nhất. Ông so sánh giai đoạn hiện tại với những năm 1929 và 2000, thời điểm hành vi đầu cơ cổ phiếu lên tới cao trào trước khi kết thúc một cách ‘bi thảm”. Ông cho rằng kết cục của giai đoạn bong bóng hiện tại không có nhiều khác biệt. 

Nhà đầu tư kỳ cựu John Hussman

Quan điểm có phần tiêu cực trên của Hussman dựa trên một phân tích đối với quy luật lợi nhuận thu về từ thị trường chứng khoán Mỹ trong 100 năm qua. Ông cảnh báo mỗi chu kỳ tăng trưởng của thị trường đều kết thúc với việc chỉ số S&P 500 trở lại với “đúng giá trị”.

“Ở giai đoạn hiện tại, điều đó đồng nghĩa với việc chỉ số S&P 500 có thể mất tới 63% giá trị”, về ngưỡng 1.600 điểm, thấp nhất kể từ năm 2013, ông viết trong báo cáo. 

“Đây không phải là một bản dự báo. Đây là con số ước tính bao hàm yếu tố lịch sử và những rủi ro tạo ra bởi hơn một thập kỷ đầu cơ, bắt nguồn từ chiến lược chính sách tiền tệ nới lỏng của Fed”, ông nói. “Hãy thắt dây an toàn”, Hussman cảnh báo. 

Hussman nhấn mạnh chỉ số S&P 500 có thể ghi nhận tỷ suất lợi nhuận âm trong vòng từ 10 tới 12 năm tới. Khoảng cách giữa lợi suất từ cổ phiếu và trái phiếu hiện “đang ở ngưỡng cao nhất lịch sử, và lợi nhuận thu về từ chỉ số S&P 500 dự kiến thấp hơn 6,5% so với trái phiếu chính phủ Mỹ trong vòng một thập kỷ phía trước, ông nhận định. 

Ông cho biết thị trường không “nhất thiết” phải sụp đổ, nhưng “khi điều đó xảy ra, nó sẽ sụp đổ rất nhanh”. Nhà đầu tư đã đắm chìm trong nhiều năm thị trường mang lại lợi suất tốt và họ dường như không còn sợ những giai đoạn khó khăn. Đây chính là sai lầm dẫn tới sự hậu quả thảm khốc của những giai đoạn bong bóng 1929 và đầu những năm 2000. 

Ông đồng thời đồng ý với quan điểm của Jeremy Grantham, Giám đốc chiến lược GMO LLC, một chuyên gia dự báo bong bóng thị trường có tiếng khác, về rủi ro suy thoái đối với kinh tế Mỹ, kéo dài tới năm 2024. Hussman cảnh báo rằng quyết định giữ lãi suất ở ngưỡng tiệm cận 0% của Fed kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 khiến cho lần suy thoái này trở nên nghiêm trọng hơn.  

“Nếu chúng ta rơi vào suy thoái, đừng đổ lỗi cho Fed vì đã tăng quá mạnh lãi suất”, Hussman viết. “Hãy đổ lỗi cho họ về hơn một thập kỷ nới lỏng chính sách, dẫn tới nhiều hành vi biến tướng trong lĩnh vực tài chính bao gồm định giá quá cao, tiền gửi không bảo hiểm, nợ đòn bẩy,...làm phức tạp thêm lần đổ vỡ này”, ông nhận định. 

Hussman, người từng dự báo chính xác về hai giai đoạn khủng hoảng 2000 và 2008, trên thực tế đã lên tiếng cảnh báo về một giai đoạn “bong bóng vỡ” từ lâu. Tuy nhiên, điều đó không thể kéo giảm được đà hưng phấn trên thị trường chứng khoán, bắt nguồn từ cơn sốt trí tuệ nhân tạo và kỳ vọng Fed sớm cắt giảm lãi suất. Nền kinh tế số một thế giới cũng chứng tỏ được sức chống chọi tốt với tốc độ tăng trưởng cao, tỷ lệ thất nghiệp thấp và lạm phát đang suy yếu. 

Đại Phú