Báo cáo mới phát hành của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, tháng 6 thực sự là khoảng thời gian bận rộn với nhiều sự kiện kinh tế - chính trị sẽ diễn ra. Bên cạnh cuộc họp thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản, nơi Mỹ-Trung có thể sẽ gặp mặt bên lề, giới đầu tư tài chính cũng đang trông ngóng cuộc họp thường niên của FED. Tại đây, các nhà điều hành chính sách tiền tệ sẽ đưa ra quan điểm đánh giá nền kinh tế Mỹ trong nửa đầu năm 2019 và định hướng chính sách tiền tệ trong phần còn lại của năm. “Liệu FED sẽ giảm lãi suất trong thời gian tới?” đang là câu hỏi nóng nhất và quan trọng nhất.
Hiện nay, VDSC ghi nhận hai luồng quan điểm với hai kết luận khá trái chiều. Dưới góc nhìn kinh tế, tăng trưởng kinh tế Mỹ đang tương đối tốt so với các nền kinh tế khác như Châu Âu, Nhật Bản và ngay cả Trung Quốc. Tỷ lệ thất nghiệp, một trong các chỉ báo quan trọng hàng đầu, đang ở mức thấp kỷ lục trong lịch sử. Do đó, các nhà điều hành tỏ ra bình tĩnh và thận trọng trước việc thay đổi chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, giới nhà đầu trên thị trường tài chính lại nghĩ khác khi họ đặt cược khả năng FED sẽ cắt giảm lãi suất trong thời gian tới nhằm giúp nền kinh tế Mỹ tránh khỏi nguy cơ suy thoái. Điều này được thể hiện thông qua mức chênh lệch lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 3 tháng đang giảm sâu và chuyển sang trạng thái âm. Vậy quyết định của FED sẽ như thế nào trước hai luồng ý kiến trên?
Dựa trên dữ liệu lịch sử, VDSC ghi nhận hai bài học chính. Trước hết, các số liệu kinh tế vĩ mô có tác động chi phối tới quyết định điều hành chính sách tiền tệ của FED. Điển hình như giai đoạn 1999-2000, FED chỉ bắt đầu cắt giảm lãi suất khi tỷ lệ thất nghiệp đi ngang và có tín hiệu tăng trở lại mặc dù chênh lệch lợi tức đã giảm xuống 0 từ trước đó khá lâu.
Tuy nhiên, bài học thứ 2 gắn với việc các quyết định của FED dường như chậm “một nhịp” so với biến động trên thị trường nói riêng và nền kinh tế nói chung khi theo sau quyết định giảm lãi suất thường đi kèm với một cuộc suy thoái/khủng hoảng. Do đó, hiện nay FED đang cố gắng lắng nghe thị trường nhiều hơn và đưa các biến số liên quan tới thị trường vào trong mô hình đánh giá kinh tế. Từ khía cạnh này, VDSC nghiêng về khả năng FED sẽ cắt giảm lãi suất trong thời gian tới.
Ở Hình 2, VDSC nhấn mạnh tới yếu tố thời gian thông qua xác suất FED điều chỉnh lãi suất trong 7 cuộc họp gần nhất sẽ diễn ra. Trong khi cuộc họp tháng 6 này gần như lãi suất điều hành sẽ không thay đổi thì kỳ vọng sẽ xuất hiện tại cuộc họp vào tháng 9 hoặc tháng 12 cho lần điều chỉnh đầu tiên. Dưới góc nhìn của VDSC, tháng 12 có lẽ là thời điểm thích hợp để cắt giảm lãi suất khi tần suất xuất hiện các số liệu kinh tế kém khả quan sẽ cao hơn.
Đáng chú ý, hiện tại là khoảng thời gian nhạy cảm đối với các nhà điều hành chính sách. Sự nhạy cảm không chỉ ở diễn biến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung mà còn đến từ dư địa cắt giảm lãi suất kích thích kinh tế của FED khi lãi suất điều hành ở gần ngưỡng 0%.
Trong các buổi hội thảo gần đây, các nhà kinh tế đang nhắc tới một khái niệm mới “lạm phát trung bình” đã được cựu chủ tịch FED, Ben Bernanke, đề cập tới.
Thay bằng việc áp dụng mục tiêu lạm phát 2% đơn thuần như hiện tại, các tiếp cận mới có thể cho phép nền kinh tế Mỹ tăng trưởng nóng trong một khoảng thời gian và đẩy lạm phát lên trên ngưỡng 2% nhằm bù đắp cho lúc lạm phát ở dưới ngưỡng 2%.
Ở mặt tích cực, điều này sẽ giúp tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trở lại ngưỡng ổn định sau thời gian suy giảm. Các bất ổn kinh tế vĩ mô có thể sẽ giảm do khả năng kinh tế suy yếu giảm. Và đây sẽ là “món quà” ưa thích cho các nhà đầu tư tài chính.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại với quan điểm cẩn trọng hơn, các nhà kinh tế lo ngại khả năng kinh tế tăng trưởng nóng dẫn đến bất ổn và rủi ro bong bóng tài sản gia tăng. Việc truyền tải thông điệp về cách tiếp cận mới tới thị trường và tạo dựng niềm tin “FED có thể đẩy lạm phát trung bình lên ngưỡng 2%” sẽ là thách thức lớn.
Vậy tác động tới Việt Nam ra sao trong trường hợp FED cắt giảm lãi suất và áp dụng cách tiếp cận mới? VDSC cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đang chờ đợi hành động từ phía các Ngân hàng Trung Ương lớn trên thế giới. Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước ổn định, chính sách tiền tệ của Việt Nam có thể được nới lỏng hơn nếu kịch bản phía trên diễn ra.
Mai Chi