Fica
  1. Quốc tế

Liên Hiệp Quốc hết tiền trả lương nhân viên tháng 11

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo rằng tổ chức này sẽ hết tiền vào tháng 11 tới trừ khi các thành viên đóng phí.

Liên Hiệp Quốc hết tiền trả lương nhân viên tháng 11 - 1

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres (Ảnh: AFP)

Tổng thư ký Guterres cảnh báo rằng một cuộc khủng hoảng tài chính do sự chậm trễ đóng góp của thành viên các nước sẽ khiến Liên Hợp Quốc (LHQ) không thể trả lương cho nhân viên vào tháng tới.

Phát biểu trước Ủy ban thứ 5 chuyên giám sát tài chính tại LHQ, ông Guterres cho biết nguồn tiền mặt vận hành hiện eo hẹp đến mức phiên họp thường niên của Đại hội đồng LHQ và các cuộc họp cấp cao vào tháng trước được tổ chức là nhờ việc cắt giảm khẩn cấp chi tiêu từ đầu năm.

“Tổ chức chúng ta đang phải đối mặt với khủng hoảng tài chính nghiêm trọng”, ông Guterres cho biết. “Việc chi tiêu ngân sách giờ không phụ thuộc vào chương trình hành động mà bởi sự sẵn có tiền mặt đến mức nào.... Chúng ta có nguy cơ cạn kiệt tiền mặt và tháng 11 này sẽ không đủ để đáp ứng bảng lương”.

Không chỉ vỡ nợ lương mà cả các khoản thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ vào cuối tháng 11 cũng có nguy cơ không thể chi trả.

Ông kêu gọi những thành viên chưa đóng phí thường niên năm 2019 cần nhanh chóng hoàn thành nghĩa vụ.

Liên Hiệp Quốc hết tiền trả lương nhân viên tháng 11 - 2

Cuộc họp thường niên chỉ có thể được tổ chức khi đã có sự cắt giảm khẩn cấp từ đầu năm

Tuy nhiên, vấn đề ngân sách không chỉ dừng ở năm nay. Vấn đề thâm hụt ngân sách dường như đang ngày càng sâu và kéo dài hơn khuôn khổ tài chính của mỗi năm.

Trước đó, vào tháng Sáu, ông Guterres đã cảnh báo về việc tổ chức này sẽ phải đối mặt với hậu quả lâu dài và nghiêm trọng nếu không hành động ngay.

Vào thứ Hai vừa qua, Tổng thư ký LHQ đã phát đi thông điệp đến 30.000 nhân viên rằng LHQ đang bị thâm hụt khoảng 230 triệu USD và yêu cầu hủy các cuộc họp không cần thiết và hoãn các cuộc họp chưa thực sự cấp bách, cắt giảm tuyển nhân sự, chỉ cho phép nhân viên đi công tác khi cần thiết… để tiết kiệm tiền mặt.

“Cho đến nay, LHQ đã nỗ lực ngăn chặn sự gián đoạn lớn trong hoạt động của tổ chức. Các biện pháp này hiện không còn đủ sức nữa”, phát ngôn viên LHQ Stephane Dujarric cho biết.

Các chuyên gia tài chính cho rằng vấn đề chính của khủng hoảng ngân sách tại LHQ là thiếu đi những cải tổ quan trọng. Bởi 193 quốc gia là 193 cách sắp xếp tài chính khác nhau - yếu tố quyết định cách họ đóng góp và điều này gây khó khăn cho hoạt động của LHQ.

Hiện các đóng góp hàng năm của thành viên được tính toán dựa trên tổng thu nhập quốc dân, gánh nặng nợ công và thu nhập trên đầu người.

Đến ngày 10/3, có 128/193 các nước thành viên đã nộp phí năm 2019 đầy đủ (chiếm 70% ngân sách của LHQ), trong đó gồm có Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga - 4 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ.

Các quốc gia đóng góp hàng đầu cho ngân sách thường xuyên năm 2019 theo thứ tự gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh và Pháp.

Các thành viên chậm trễ nộp phí gồm có Mỹ - thành viên thường trực thứ 5 của Hội đồng Bảo an. Và tình trạng này là thường xuyên bởi tháng 10 là tháng tài chính năm tại Mỹ.

Năm ngoái, Mỹ đã đóng góp lên tới 22% tổng ngân sách thường niên của LHQ.

Ngân sách hoạt động của LHQ giai đoạn 2018-2019 là khoảng 5,4 tỉ USD, không bao gồm các hoạt động gìn giữ hòa bình.

Nhân Hà

Theo Telegraph