Làng mạc Lào chìm trong biển nước sau sự cố vỡ đập Xe Pian Xe Namnoy (Ảnh: ABC Laos)
Bộ Năng lượng và Mỏ Lào ngày 25/7 thông báo cơ quan này đã chỉ đạo đặt tất cả các đập thủy điện trong tình trạng cảnh giác cao, đồng thời theo dõi chặt chẽ mọi dự báo thời tiết và giám sát mực nước tăng lên tại các hồ chứa. Ngoài ra, các dự án đập thủy điện cũng phải thường xuyên báo cáo về việc quản lý mực nước tại các đập thủy điện về Bộ Năng lượng và Mỏ để có phương án đối phó kịp thời trong trường hợp khẩn cấp.
Vientiane Times dẫn lời một quan chức cấp cao của Bộ Năng lượng và Mỏ, người đóng vai trò kết nối giữa chính phủ Lào với các đơn vị phát triển dự án điện, cho biết sau khi kiểm tra độ an toàn của tất cả đập trên cả nước, cơ quan này không phát hiện trường hợp nghiêm trọng nào, ngoại trừ công trình đập thủy điện Xe Pian Xe Namnoy.
Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith ngày 25/7 cho biết “131 người đã mất tích” sau sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian Xe Namnoy và tất cả đều mang quốc tịch Lào. AFP dẫn lời quan chức lãnh sự Thái Lan tại Lào Chana Miencharoen cho biết đã có 26 thi thể được tìm thấy tại hiện trường vụ giải cứu, 17 người khác bị thương và đang được điều trị trong bệnh viện.
“Chúng tôi đã kiểm tra hoạt động của các đập trên cả nước. Trong báo cáo chúng tôi nhận được tính đến hiện tại, không có trường hợp nghiêm trọng nào ngoài đập Xe Pian Xe Namnoy. Chỉ có 3 đập được thông báo đang xả nước, nhưng đây là hoạt động bình thường”, quan chức Lào cho biết.
Một nguồn tin khác cho biết việc xả nước là cần thiết trong trường hợp mực nước tại các hồ chứa trong đập tăng lên. Các đập đang xả nước để duy trì mực nước ở mức độ an toàn gồm Nam Ngiep 2 (180MW) tại tỉnh Xieng Khuang, Nam Phay (86MW) tại tỉnh Xaysomboun, Nam Tha 1 (168MW) tại biên giới giữa tỉnh Bokeo và Luang Namtha.
Nhiều khu vực ở Lào đang trải qua các đợt mưa lớn. Lượng mưa lớn khiến mực nước tại sông Mekong tăng lên nhanh chóng trong những ngày gần đây. Do vậy, chính phủ Lào đã tăng cường các biện pháp giám sát để tránh xảy ra hiện tượng vỡ đập thủy điện.
Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith hôm qua cho biết đội cứu hộ vẫn đang tích cực tìm kiếm 131 người dân bị mất tích từ sau sự cố vỡ đập Xe Pian Xe Namnoy vào đêm 23/7. Công trình đập thủy điện bị vỡ đã thi công được 90% và dự kiến sẽ đưa vào hoạt động thương mại từ năm 2019. Sự cố này khiến hơn 3.000 người bị mất nhà cửa và là thảm họa lớn nhất trong hàng chục năm qua tại Lào.
Theo số liệu thống kê của Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, nước này hiện có 51 đập thủy điện đang hoạt động với tổng công suất 6.984 MW. Ngoài ra, Lào còn có 46 dự án đập khác đang trong quá trình xây dựng với tổng công suất dự kiến là 6.083 MW, cùng với đó là khoảng 112 dự án đập đang ở giai đoạn phát triển dự án với tổng công suất khoảng 8.612 MW. Chính phủ Lào đang lên kế hoạch xây thêm 54 đường dây tải điện và 16 trạm biến áp đến năm 2020 để phục vụ hoạt động của hơn 100 nhà máy thủy điện.
Lào có kế hoạch xuất khẩu 2/3 sản lượng từ các nhà máy điện sang các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Campuchia. Chính phủ Lào đã cam kết xuất khẩu 9.000 MW cho Thái Lan và đây cũng là quốc gia nhập khẩu điện lớn nhất của Lào. Nguồn thu từ bán điện chiếm tới 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Lào.
Làng mạc Lào chìm biển nước sau sự cố vỡ đập thủy điện
Thành Đạt
Theo Vientiane Times