Fica
  1. Quốc tế

Lạm phát Eurozone xuống thấp nhất hơn 2 năm

Đại Phú
Đại Phú

Lạm phát thấp hơn thắp lên hy vọng Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ không tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới.

Lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sụt giảm nhanh hơn dự báo xuống còn 2,9% trong tháng 10, thấp nhất kể từ tháng 7/2021. 

Theo Cơ quan Thống kê khu vực (Eurostat), mức giảm mạnh từ ngưỡng 4,3% trong tháng 9 bắt nguồn từ xu hướng suy yếu giá năng lượng và thực phẩm. Tuy nhiên, kết quả này cũng đồng thời phản ánh thực tế kém sáng sủa hơn đối với hoạt động kinh tế trong khu vực. 

Điều này được thể hiện rõ nhất qua mức giảm 0,1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý III so với quý liền kề trước đó. Dù Pháp và Tây Ban Nha đã nỗ lực vươn lên trong giai đoạn từ tháng 7-9, màn trình diễn kém thuyết phục tới từ Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực, và Áo góp phần kéo tụt tăng trưởng của Eurozone. 

Đây là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy khu vực này đang ở trong một giai đoạn đình lạm (lạm phát cao và tăng trưởng yếu) khi người dân và doanh nghiệp phải đối diện với chi phí vay vốn đắt đỏ, thương mại toàn cầu suy giảm trong khi chi phí sống lại ngày một tăng cao. 

Ở một diễn biến khác, lạm phát lõi, không bao gồm chi phí thực phẩm và năng lượng, cũng suy yếu từ 4,5% xuống còn 4,2% trong cùng giai đoạn. 

Lạm phát tại châu Âu suy yếu nhanh hơn dự báo trong tháng 10

Lạm phát thấp hơn thắp lên hy vọng Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ không tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới. Trong kỳ họp gần nhất, cơ quan này đã lần đầu tiên giữ nguyên lãi suất điều hành sau 10 lần tăng liên tiếp.  

Nhưng theo Chủ tịch ECB Christine Lagarde, tăng trưởng tiền lương mới “là yếu tố quan trọng nhất quyết định tới kỳ vọng lạm phát”. 

Để dừng tăng hoặc cắt giảm lãi suất, “ECB cần thấy tăng trưởng tiền lương chậm lại, và có thể mất tới nửa năm để điều đó trở thành hiện thực”, Mark Wall, Kinh tế trưởng khu vực châu Âu tại Ngân hàng Deutsche Bank, nhận định. 

Một bộ phận chuyên gia lại tỏ ra thận trọng khi cho rằng quá trình suy yếu của lạm phát sẽ không diễn ra quá nhanh trước rủi ro xung đột Israel-Hamas có thể đẩy giá năng lượng lên cao. 

“Thời gian tới, lạm phát khó giữ được đà giảm nhanh như tháng vừa rồi”, Jack Allen-Reynolds, Chuyên gia kinh tế tới từ công ty tư vấn Capital Economics, nhận định. “Thậm chí, áp lực giá cả có thể nóng lên trong một vài tháng tới”, ông cho biết. 

Đại Phú