Lạm phát tại khu vực đồng tiền chung euro thấp hơn dự kiến, qua đó củng cố thêm hy vọng Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sớm cắt giảm lãi suất vào tháng 6 tới.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của khu vực tăng 2,4% trong tháng 3, thấp hơn mức tăng 2,6% của tháng liền kề trước đó. Kết quả trên đồng nằm dưới dự báo tăng 2,5% của giới chuyên gia. Trong khi đó, CPI lõi (không bao gồm chi phí thực phẩm và năng lượng) cũng tăng chậm hơn so với kỳ vọng, ở ngưỡng 2,9%.
Lạm phát tại khu vực Eurozone thấp hơn dự báo trong tháng 3 |
Kết quả tháng mới nhất giúp bổ sung thêm bằng chứng cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang thành công trong việc đưa lạm phát về ngưỡng mục tiêu 2%, qua đó có thể tiến hành nới lỏng chính sách tiền tệ. Chủ tịch ECB Christine Lagarde trước đó đã phát tín hiệu về lần cắt giảm đầu tiên vào tháng 6 khi nhận được sự ủng hộ từ diễn biến lạm phát và tăng trưởng tiền lương. Phần lớn các thành viên Ủy ban điều hành, bao gồm các quan chức Ngân hàng trung ương Đức, Pháp, Tây Ban Nha,... cũng ủng hộ mốc thời gian đó.
Tình hình căng thẳng trên biển Đỏ cũng như sự cố sập cầu tại Baltimore, một cảng biển quan trọng trên tuyến đường luân chuyển hàng hóa qua Mỹ, không có tác động quá lớn tới lạm phát tại lục địa già. Theo Kinh tế trưởng ECB Philip Lane, mối quan tâm lớn nhất của cơ quan này ở thời điểm hiện tại chính là tốc độ tăng trưởng tiền lương với kỳ vọng chỉ số này sẽ tiếp tục tăng chậm lại qua đó tạo ra sự tự tin cho các quan chức ECB trong việc đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất.
Dù đã chậm lại đáng kể trong cuối năm 2023 nhưng tốc độ tiền lương vẫn được dự báo tăng trên 4%. Chính yếu tố này sẽ giữ lạm phát trong các lĩnh vực dịch vụ neo cao. Trong tháng gần nhất, chỉ số trên vẫn duy trì ở ngưỡng 4% trong khi lạm phát trong nhóm hàng hóa công nghiệp phi năng lượng suy yếu chỉ còn 1,1%.
Trong toàn bộ 20 quốc gia thành viên, xu hướng lạm phát cũng có sự khác biệt. Áp lực giá cả tại Tây Ban Nha gia tăng sau khi chính phủ nước này gỡ bỏ một số biện pháp hỗ trợ chi phí năng lượng. Trong khi đó, lạm phát tại Đức và Pháp lại “đi lùi” trong tháng thứ ba liên tiếp.
Thực tế trên làm phức tạp hóa quá trình xác định phương hướng chính sách tiền tệ của ECB. Dù đã phát tín hiệu về khả năng cắt giảm lãi suất, các quan chức cơ quan này khẳng định mỗi quyết định đưa ra sẽ phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế thời gian tới.
Bà Lagarde cho biết lộ trình chính sách tiền tệ cũng sẽ tồn tại sự bất nhất nhất định, qua đó không loại trừ khả năng phải tăng lãi suất trở lại ngay sau lần cắt giảm đầu tiên. “Chúng tôi không cam kết đi theo một lộ trình đã được vạch sẵn từ trước”, bà chia sẻ.
Đại Phú