Fica
  1. Quốc tế

Làm khó doanh nghiệp để hút vốn đầu tư: Indonesia "gậy ông đập lưng ông"?

Đại Phú
Đại Phú

Để có thể bán các sản phẩm iPhone 1 tại Indonesia, Apple phải gia tăng tỷ lệ nội địa hóa thông qua các dự án đầu tư...

Nỗ lực thu hút vốn đầu tư từ nhiều công ty công nghệ nước ngoài của Indonesia như những gì đã làm với Apple thời gian gần đây thậm chí có thể là “gây ông đập lưng ông”, một số chuyên gia kinh tế cảnh báo. 

Vì quy định tỷ lệ nội địa hóa cao lên tới 40% mà Apple đã không thể bán các sản phẩm iPhone mới nhất của mình tại nền kinh tế số một Đông Nam Á. Lệnh cấm chỉ được gỡ bỏ khi “ông lớn” công nghệ này đầu tư hoặc lựa chọn các nguồn cung cấp linh kiện trong nước nhằm đạt được tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu. 

Trong ngày 3/12, Thứ trưởng Công nghiệp Indonesia chia sẻ với các phóng viên rằng quốc gia này đang lên kế hoạch gia tăng tỷ lệ nội địa hóa với các khoản đầu tư vào mảng sản xuất điện thoại thông minh tại đây. Động thái này xuất hiện ngay sau khi chính phủ Indonesia từ chối 100 triệu USD vốn đầu tư của Apple để mở mới các học viện phát triển. Thay vào đó, họ đòi hỏi Apple phải đầu tư với số vốn cao hơn gấp 10 lần. 

Làm khó doanh nghiệp để hút vốn đầu tư: Indonesia "gậy ông đập lưng ông"? - 1
Để bán iPhone 16 tại Indonesia, Apple phải thỏa mãn quy định tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu (Ảnh: Bloomberg)

Ý định của Indonesia không sai. Tỷ lệ nội địa hóa được thiết kế nhằm mục tiêu bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa đồng thời tạo ra một chuỗi cung ứng giá trị gia tăng trong nước. 

Nhưng tại thời điểm mà Indonesia đang phải cạnh tranh gay gắt với nhiều nền kinh tế khác trong khu vực như Việt Nam trong thu hút vốn đầu tư và xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, chính sách trên lại khiến các chuyên gia lo ngại. 

“Tôi cho rằng đó là một chính sách bảo hộ biến tướng. Phương pháp này thậm chí mang tính đe dọa các nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn việc bảo vệ nền sản xuất trong nước”, Bhima Yudhistira Adhinegara, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và pháp lý (CELIOS), nhận định. 

“Họ (chính phủ Indonesia) nghĩ rằng nếu họ làm những tập đoàn lớn như Apple lo sợ, họ sẽ thu hút được nhiều vốn đầu tư hơn?”, ông bổ sung. 

Phần lớn chuyên gia tham gia khảo sát của CNBC thể hiện sự thiếu tin tưởng vào khả năng quy định nội địa hóa đạt được hiệu quả cao trong việc thu hút vốn từ các công ty như Apple, thậm chí còn gây ra những “hiệu ứng ngược”. 

“Quy định tỷ lệ nội địa hóa chưa thành công trong việc thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cho Indonesia. Thậm chí là ngược lại”, Arianto Patunru, Thành viên ban điều hành Trung tâm nghiên cứu chính sách Indonesia, chia sẻ. 

Đưa ra quan điểm cứng rắn hơn, Adhinegara (CELIOS) cho rằng “chính sách đe dọa” nói trên có thể “phản tác dụng”. “Tôi cho rằng chính sách đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư tại Indonesia, tạo ra tâm lý bất định về mặt chính sách”, ông nói. 

Còn theo Yessi Vadila, Chuyên gia thương mại tới từ Viện nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á, quy định tỷ lệ nội địa hóa tại Indonesia từng gây ra hiện tượng gia tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu và suy giảm năng suất lao động trong khi không mang lại nhiều lợi ích cho tăng trưởng và thị trường việc làm.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng chính sách nội địa hóa mà Indonesia áp dụng cũng đã mang lại những thành quả nhất định. Samsung, một trong những đối thủ lớn nhất của Apple trong mảng điện thoại thông minh, đã phải đầu tư vào xứ vạn đảo vì những quy định kể trên. 

Ngoài ra, Indonesia còn áp dụng một số chính sách bảo hộ khác cũng nhằm thu hút vốn đầu tư vào quốc gia này. Năm ngoái, nền tảng mạng xã hội TikTok đã phải đầu tư thông qua một đối tác nội địa mới có thể hoạt động tại nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. 

Nguồn: CNBC
Tin liên quan