Fica
  1. Quốc tế

Kinh tế Triều Tiên tăng trưởng bất chấp trừng phạt

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Nền kinh tế Triều Tiên đã có sự tăng trưởng trong năm 2017 bất chấp hàng loạt lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế do các chương trình vũ khí gây tranh cãi.

 


Người dân Triều Tiên diễu hành kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 9/9. (Ảnh: Reuters)

Người dân Triều Tiên diễu hành kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 9/9. (Ảnh: Reuters)

 

Trong cuộc phỏng vấn với Kyodo News gần đây, Giáo sư Ri Gi Song tại Viện Kinh tế thuộc Viện Khoa Học Xã hội ở Bình Nhưỡng, cho biết Triều Tiên đã đạt được sự tăng trưởng về kinh tế mà không cần phụ thuộc vào nước ngoài. Cụ thể, nền kinh tế Triều Tiên đã tăng trưởng 3,7% trong năm 2017.

Theo Giáo sư Ri, GDP của Triều Tiên năm 2017 đạt 30,7 tỷ USD, tăng so với con số 29,6 tỷ USD năm 2016. Triều Tiên rất hiếm khi công bố GDP của nước này và đây cũng là lần đầu tiên số liệu GDP của Triều Tiên được tiết lộ trong vòng 2 năm qua.

Theo báo Kyodo (Nhật Bản), khó có thể xác minh độ chính xác của các con số do Giáo sư Ri, người làm việc trong viện nghiên cứu tại Triều Tiên, cung cấp vì không có thêm các chỉ số kinh tế khác được công bố như tỷ lệ lạm phát, đầu tư hay giá tiêu dùng.

Mặc dù một báo cáo do Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc công bố hồi tháng 7 cho thấy nền kinh tế Triều Tiên đã giảm 3,5% trong năm 2017 so với năm trước đó, song Giáo sư Ri đã bác bỏ thông tin này. Ông cho rằng số liệu do Seoul đưa ra “chỉ là sự phỏng đoán”.

Cũng theo Giáo sư Ri, dân số Triều Tiên đã tăng từ 25.159.000 vào năm 2016 lên 25.287.000 vào năm 2017. Dựa trên số liệu này, GDP bình quân đầu người của Triều Tiên năm 2017 ước tính khoảng 1.214 USD, tương đương với Myanmar.

Ông Ri cho biết với nỗ lực vượt qua tác động tiêu cực của các lệnh trừng phạt quốc tế, Triều Tiên đã phát triển “hàng loạt công nghệ” theo tinh thần “tự lực cánh sinh”. Chẳng hạn, quốc gia Đông Bắc Á này đã triển khai nhiều biện pháp để tiết kiệm việc sử dụng dầu thô. Trước đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã ban hành nghị quyết cấm các nước xuất khẩu dầu thô sang Triều Tiên nhằm gây sức ép với Bình Nhưỡng trong vấn đề hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Giáo sư Ri thừa nhận Triều Tiên đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, tuy nhiên ông nhấn mạnh các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ và hóa chất của Triều Tiên vẫn phát triển. Ngoài ra, các điều kiện về năng lượng điện cũng được cải thiện hơn.

Trong bối cảnh quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đang có nhiều tiến triển tốt đẹp, ông Ri bày tỏ hy vọng có thể tăng cường hợp tác kinh tế với Seoul. Giáo sư Triều Tiên cũng kêu gọi Nhật Bản từ bỏ “chính sách thù địch” nhằm vào Bình Nhưỡng và bù đắp sai lầm từ giai đoạn chiếm đóng quân sự trên bán đảo Triều Tiên trước đây. Ông Ri cho biết nếu Nhật Bản có thể thực hiện được những yêu cầu trên, hai nước có thể cùng nhau hợp tác kinh tế.

Các chuyên gia ước tính nếu kinh tế Hàn Quốc và Triều Tiên hợp nhất và với tốc độ phát triển kinh tế như hiện nay của Triều Tiên, tính đến năm 2050, GDP của cả bán đảo Triều Tiên có thể nằm trong khoảng từ 4-6,4 nghìn tỷ USD. Khi đó nếu coi cả bán đảo Triều Tiên là một nền kinh tế thống nhất, nền kinh tế này sẽ xếp ngang hàng với Nhật Bản, Đức, Anh và chỉ đứng sau Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ. Tuy vậy, để đi đến viễn cảnh thống nhất như vậy, nhiều vấn đề liên quan tới an ninh và chính trị sẽ được đặt ra cho cả Hàn Quốc và Triều Tiên.

Thành Đạt

Tổng hợp

Tin liên quan