Nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh nhất gần hai năm trở lại đây trong quý IV, nhờ vào sức mạnh tiêu dùng. Đây được coi là thách thức đối với các quan chức Cục Dự trữ liên bang (Fed), những người đang tranh luận về mức độ cần thiết của các bước tăng lãi suất.
Cụ thể, theo kết quả khảo sát của Bloomberg với một nhóm các chuyên gia kinh tế, con số dự báo trung bình đối với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho giai đoạn tháng 7-9 ở ngưỡng 4,3%. Kết quả trên đồng nghĩa với việc Mỹ vẫn sẽ là trụ cột kinh tế thế giới trong năm nay trong bối cảnh châu Âu trì trệ còn châu Á như “rắn mất đầu” với kinh tế Trung Quốc gặp nhiều khó khăn.
Kinh tế Mỹ vẫn trụ vững trước nhiều thách thức |
Tiêu dùng cá nhân, động lực tăng trưởng chính của kinh tế Mỹ, được dự báo tăng trưởng 4%. Nhu cầu thị trường cao chính là phép thử đối với quá trình hoạch định chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương nước này sau gần hai năm tăng mạnh lãi suất. Trong khi lạm phát suy yếu đáng kể từ đỉnh, áp lực giá cả hiện vẫn neo cao gấp gần hai lần so với mục tiêu mà họ đề ra.
“Tốc độ tăng trưởng cao hay thị trường lao động ‘nóng’ chính là những rủi ro phá hủy toàn bộ thành quả kéo giảm lạm phát thời gian qua, cơ sở để chúng tôi thắt chặt thêm chính sách tiền tệ”, Chủ tịch Fed Jerome Powell chia sẻ tại sự kiện của Economic Club of New York, hồi tuần trước.
Sau đó một ngày, nhà đầu tư cũng sẽ đón nhận thêm dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Fed. Giới chuyên gia dự báo chỉ số PCE lõi, vốn không bao gồm chi phí thực phẩm và năng lượng với mức độ biến động lớn, cao hơn 3,7% so với tháng 9/2022, mức tăng vắt năm nhỏ nhất kể từ tháng 5/2021. Nếu chính xác, đó lại là một “cái thở phào” cho chính ông Powell và các quan chức Ngân hàng trung ương Mỹ.
Đại Phú