Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung xảy ra vào một thời điểm vốn dĩ đã khó khăn đối với Hồng Kông - Ảnh: Bloomberg. |
Hồng Kông từ lâu luôn quảng bá vai trò của mình là cửa ngõ tiến vào thị trường Trung Quốc cho các công ty nước ngoài, nhất là các công ty Mỹ. Giờ đây, khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung diễn ra căng thẳng, vai trò mạch dẫn đó lại chính là điều khiến Hồng Kông phải "đau đầu".
Từ nhiều thập kỷ trước, Hồng Kông đã chuyển các nhà máy sang Trung Quốc đại lục để tận dụng nguồn lao động giá rẻ. Hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc và sang Mỹ đi qua Hồng Kông chiếm khoảng 10% kim ngạch xuất khẩu khoảng 500 tỷ USD của vùng lãnh thổ này trong năm 2017 - theo Hội đồng Phát triển thương mại Hồng Kông (HKTDC). Chưa kể, hoạt động xuất nhập khẩu nói chung đóng góp khoảng 1/5 toàn bộ nền kinh tế Hồng Kông, nên việc vùng lãnh thổ này bị "vạ lây" chiến tranh thương mại là điều dễ hiểu.
Ngoài ra, tình hình xấu đi ở Trung Quốc đại lục còn có thể ảnh hưởng đến Hồng Kông theo những cách khác, mà rõ nhất là chi tiêu của du khách. Trong bối cảnh đó, Hồng Kông hiện còn đang là một trong những thị trường bất động sản có mức độ bong bóng cao nhất thế giới.
Tất cả những yếu tố trên kết hợp lại đặt nền kinh tế Hồng Kông vào một trạng thái mong manh - theo nhận định của hãng tin Bloomberg.
"Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia thương mại lớn nhất thế giới, và họ giao dịch nhiều với nhau thông qua chúng tôi", ông Nicholas Kwan, Giám đốc nghiên cứu thuộc HKTDC, phát biểu. "Khi họ xung đột, nhiều người trung gian bị ảnh hưởng xấu, mà chúng tôi lại là người trung gian nổi bật nhất giữa bọn họ".
Thống kê chính thức cho thấy nền kinh tế Hồng Kông chỉ tăng 3,5% trong quý 2 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, giảm mạnh so với mức tăng 4,6% đạt được trong quý 1. Trong tháng 9, ngành chế biến-chế tạo của Hồng Kông tiếp tục lún sâu hơn vào sự suy giảm.
HKTDC mới đây đã giảm dự báo tăng trưởng xuất khẩu 2018 của Hồng Kông xuống còn 3% từ mức 6% trước đó.
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung xảy ra vào một thời điểm vốn dĩ đã khó khăn đối với Hồng Kông. Nền kinh tế của vùng lãnh thổ này đang chịu ảnh hưởng từ sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc và đương đầu sức ép tăng lãi suất do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục có những đợt nâng lãi suất. Đồng Đôla Hồng Kông được neo buộc vào đồng USD, nên chính sách tiền tệ của Hồng Kông cũng bị ràng buộc với chính sách tiền tệ của FED.
"Hồng Kông không thể dựa vào chính sách tiền tệ để kích cầu kinh tế vào lúc này", bà Iris Pang, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc thuộc ngân hàng ING ở Hồng Kông nhận định. "Hồng Kông phải dựa vào các biện pháp kích cầu thông qua tài khóa, và giờ đúng là lúc chính quyền Hồng Kông cần tăng chi tiêu".
Bà Pang cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Hồng Kông 2018 về mức 3,6% từ mức 4,9% đưa ra hồi tháng 8 do chiến tranh thương mại. Vị chuyên gia cho biết sẽ cắt giảm mạnh mức dự báo tăng trưởng của năm 2019 và 2020 nếu xung đột tiếp diễn. Hiện bà dự báo kinh tế Hồng Kông tăng 2,6% trong năm 2019 và tăng 2,5% trong năm 2020.
Theo bà Pang, ngoài ảnh hưởng đến hoạt động của các cảng biển và dịch vụ hậu cần, một cuộc chiến thương mại kéo dài cũng có thể tác động xấu đến lĩnh vực bán lẻ và thị trường việc làm của Hồng Kông. Nhờ lượng du khách lớn từ Trung Quốc đại lục, tăng trưởng doanh thu bán lẻ của Hồng Kông đã giữ trên mức 10% trong phần lớn thời gian từ đầu năm đến nay.
Vị chuyên gia ước tính khoảng 1/3 hoạt động kinh tế của Hồng Kông sẽ bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại, trong đó các doanh nghiệp Hồng Kông có nhà máy ở Trung Quốc và xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ đặc biệt dễ tổn thương.
Tăng trưởng giảm, lãi suất tăng, và triển vọng xấu đi có thể sẽ gây ra một cú sốc cho thị trường địa ốc của Hồng Kông, thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới.
Phát biểu trước các nhà báo hôm thứ Năm, người đứng đầu cơ quan thương mại và phát triển kinh tế của chính quyền Hồng Kông, ông Edward Yau, nói rằng có lẽ không có "giải pháp tức thì" nào cho những khó khăn mà chiến tranh thương mại đặt ra cho kinh tế Hồng Kông. Trước đó, ông Yau công bố kế hoạch mở rộng hỗ trợ tín dụng cho các công ty nhỏ.
"Chúng tôi e là sẽ có những ảnh hưởng lan rộng và khó lường", ông Yau nói về cuộc chiến thương mại. "Tôi nghĩ trong ngắn hạn và trung hạn, chúng ta sẽ phải bơi qua một vùng biển động".
Theo An Huy
VnEconomy