BVSC cho biết, Mỹ bắt đầu áp thuế 15% với khoảng 112 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1/9. Đây là đợt đầu tiên trong kế hoạch áp thuế với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc được Tổng thống Donald Trump công bố hồi đầu tháng 8. Phần hàng hóa Trung Quốc còn lại được ân hạn đến ngày 15/12.
Đáp trả, Trung Quốc cũng bắt đầu thu thuế với một phần trong 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ từ ngày 1/9, đáng chú ý là dầu thô Mỹ cũng bị nhắm đến với thuế suất 5%.
Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 2/9 thông báo đệ đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhưng không nêu chi tiết, chỉ cho biết thuế của Mỹ đã ảnh hưởng lên 300 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của nước này.
Đợt áp thuế gần đây nhất vi phạm sự đồng thuận mà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Osaka, Nhật Bản, hồi tháng 6. Trung Quốc sẽ bảo vệ các quyền hợp pháp theo quy tắc của WTO, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết.
Đây là lần thứ 3 Trung Quốc đệ đơn kiện chính sách thuế của Mỹ lên WTO. Tổ chức này giới hạn mức thuế mỗi quốc gia được phép triển khai.
Theo quy tắc WTO, Washington có thời hạn 60 ngày để giải quyết tranh chấp, sau đó, Bắc Kinh có thể đề nghị WTO xét xử. Quá trình xét xử có thể kéo dài vài năm.
Theo nhận định của BVSC, hành động này của Trung Quốc mang tính chất thể hiện quan điểm phản đối việc Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc hơn là ý nghĩa thực tế. Nguyên nhân là quá trình xét xử, đưa ra phán quyết sẽ rất khó để đạt được một kết quả có lợi đối với Trung Quốc.
Kể cả phán quyết cuối cùng có lợi cho Trung Quốc thì việc cưỡng chế thi hành án sẽ là bên thắng kiện có thể áp dụng các biện pháp trả đũa thương mại. Đây cũng là điều mà Trung Quốc đã thực hiện nên kết quả đạt được cũng sẽ không có gì mới.
Theo đó, BVSC cho rằng, việc Trung Quốc kiện Mỹ lên WTO có thể khó giải quyết được chiến tranh thương mại.
Mai Chi