Áp lực lạm phát toàn cầu có thể giảm bớt kể từ quý II năm 2023
Trong báo cáo về chiến lược đầu tư năm 2023 mới đây, công ty chứng khoán VnDirect nhận định áp lực lạm phát toàn cầu có thể hạ nhiệt từ quý II năm 2023 sau các động thái thắt chặt tiền tệ của các Ngân hàng trung ương trên thế giới. Hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy áp lực về giá cả đã giảm bớt.
Căng thẳng chuỗi cung ứng trên thế giới đang dịu bớt. Chỉ số áp lực chuỗi cung ứng toàn cầu (GSCPI - thước đo để xác định áp lực chuỗi cung ứng toàn cầu) đạt mức thấp nhất trong 22 tháng là 0,89 điểm vào tháng 9 năm 2022. Kể từ giữa năm 2022, các lệnh hạn chế Covid-19 ở Trung Quốc bắt đầu được nới lỏng, giúp giảm bớt tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn đang ở mức cao hơn so với trước khi xảy ra đại dịch. VnDirect kỳ vọng xu hướng hàn gắn của chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tiếp tục duy trì sau khi Trung Quốc dần nới lỏng chính sách Zero-Covid.
Giá cả hàng hóa toàn cầu đã hạ nhiệt trong những tháng gần đây. Giá hàng hóa toàn cầu trên đà điều chỉnh mạnh do lo ngại suy thoái kinh tế. Chỉ số hàng hóa của Bloomberg đã giảm 10% kể từ cuối tháng 5 và có dấu hiệu phân hóa, dầu thô và kim loại lần lượt giảm 23% và 17%.
Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc đã giảm 1,2% so với tháng trước trong tháng 8 do giá nguyên liệu đầu vào hạ nhiệt. Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc, thước đo chi phí sản xuất, tăng 2,3% so với cùng kỳ trong tháng 8, mức tăng chậm nhất kể từ tháng 12 năm 2020 và chậm hơn mức 4,2% của tháng trước đó. Nguyên nhân chính khiến PPI của Trung Quốc hạ nhiệt là nhờ đà giảm thời gian qua của nhiều loại nguyên liệu đầu vào, bao gồm dầu thô và các kim loại màu. Việc chỉ số giá sản xuất tại Trung Quốc hạ nhiệt cùng với giá cước vận tải biển quốc tế giảm mạnh sẽ giúp giảm áp lực lạm phát nhập khẩu tại nhiều quốc gia trên thế giới trong những tháng tới.
Giá nhà ở Mỹ đang rơi. Chỉ số giá tại Mỹ (đã loại bỏ yếu tố mùa vụ) giảm 1,1% so với tháng trước trong tháng 8, ghi nhận tháng giảm thứ hai liên tiếp (so với mức mức tăng cao nhất 2,6% hồi tháng 3 và mức giảm 0,5% trong tháng 7), theo CoreLogic S&P Case-Shiller Index. Đây là mức giảm so với tháng trước mạnh nhất kể từ năm 2009, điều này cho thấy lãi suất cho vay thế chấp tăng cao đã làm giảm nhu cầu mua nhà. Xu hướng này nhiều khả năng sẽ tiếp diễn và thậm chí là mạnh lên trong những tháng tới. So sánh theo năm, giá nhà tại Mỹ chỉ còn tăng 13% so với cùng kỳ, giảm so với mức tăng 15,6% so với cùng kỳ trong tháng 7, đánh dấu tháng thứ năm liên tiếp đà tăng của giá nhà (so với cùng kỳ) giảm tốc.
Dữ liệu gần đây của Mỹ cho thấy lạm phát đang bắt đầu hạ nhiệt. Cụ thể, chỉ số giá tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ, chỉ số đo lường sự tăng/trượt giá các mặt hàng mà người tiêu dùng, doanh nghiệp và Chính phủ Hoa Kỳ phải chi trả, bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu, chỉ tăng 4,6% so với cùng kỳ trong quý III sau khi tăng 8,5% so với cùng kỳ trong quý II. Ngoài ra, lạm phát theo năm của Mỹ tăng 8,2% so với cùng kỳ trong tháng 9, giảm từ mức 8,3% hồi tháng 8 và mức đỉnh là 9,1% vào hồi tháng 6.
Áp lực lạm phát toàn cầu có thể giảm bớt kể từ quý II năm 2023. |
Bao giờ các Ngân hàng trung ương ngừng thắt chặt tiền tệ?
Đây là câu hỏi quan trọng trong năm 2023. VnDirect cho rằng câu trả lời phần lớn phụ thuộc vào việc liệu các NHTW có thể đưa lạm phát xuống mức chấp nhận được hay không. Tuy nhiên một vài NHTW đã lộ ra ý định sẵn sàng giảm tốc độ tăng lãi suất.
Hiện tại, đa phần thị trường dự đoán Fed sẽ nâng lãi suất thêm 125 điểm cơ bản trong năm 2023 và cắt giảm 25 điểm cơ bản vào cuối năm 2023. Tương tự, các NHTW khác như ECB cũng có thể giảm tốc độ tăng lãi suất trong năm 2023 khi xuất hiện những dấu hiệu rõ ràng hơn về việc lạm phát đã giảm đáng kể.
Tuy nhiên công ty chứng khoán này dự đoán đợt giảm lãi suất điều hành sớm nhất sẽ diễn ra trong quý I/ 2024. Khả năng lãi suất điều hành của Fed đảo chiều sẽ khó xảy ra trong năm 2023, nếu như kinh tế Mỹ không rơi vào suy thoái. Vì vậy, Fed sẽ chỉ thực hiện đợt cắt giảm nhẹ 25 điểm cơ bản đầu tiên trong quý I/2024.
Theo các diễn biến trong quá khứ, xác suất đợt giảm lãi suất đầu tiên thường xảy ra cách lần tăng cuối cùng khoảng 7 tháng. Rủi ro chủ yếu vẫn là lạm phát giảm song không thể xuống chấp nhận được, do đó các NHTW không còn sự lựa chọn nào khác ngoài tiếp tục biện pháp thắt chặt và không thể nới lỏng các điều kiện tài chính trong một sớm một chiều.
Ninh An