Fica
  1. Quốc tế

Khi nào Fed giảm lãi suất rất quan trọng, nhưng vì sao Fed giảm lãi suất cũng quan trọng không kém

Đại Phú
Đại Phú

Động cơ đứng sau quyết định cắt giảm lãi suất của Fed sẽ quyết định tốc độ nới lỏng chính sách tiền tệ.

Mối quan tâm ở thời điểm hiện tại đối với chính kinh tế Mỹ cũng như các thị trường tài chính trong năm 2024 không chỉ dừng lại ở thời điểm mà Cục Dự trữ liên bang (Fed) cắt giảm lãi suất mà còn là chính là động cơ để họ đưa ra quyết định trên.

Với lạm phát suy yếu đáng kể từ khi thiết lập đỉnh mới sau bốn thập kỷ hồi năm ngoái, khả năng Fed cắt giảm lãi suất trong năm sau trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Và kết quả này được dự báo sẽ xuất hiện ngay trong khảo sát dot-plot đối với các quan chức ngân hàng trung ương.

Nếu Fed hạ lãi suất đi liền với đà suy yếu của lạm phát, đó là tin tốt đối với nền kinh tế cũng như nhà đầu tư. Điều đó cũng đồng nghĩa với thực tế Fed đang đi đúng con đường để tới với mục tiêu “hạ cành mềm”, viễn cảnh cơ quan này thành công kiểm soát lạm phát đồng thời không đẩy nền kinh tế vào suy thoái.

Nhưng nếu Fed buộc phải hạ lãi suất vì triển vọng nền kinh tế xấu đi một cách nhanh chóng, hay nói cách khác: ngấp nghé trên bờ vực suy thoái, đó sẽ là câu chuyện hoàn toàn khác.

“Chúng ta luôn muốn Fed cắt giảm lãi suất vì lạm phát đã suy yếu chứ không phải vì kinh tế Mỹ lâm vào suy thoái”, Diane Swonk, Kinh tế trưởng tại KPMG, chia sẻ.

Chủ tịch Fed Jerome Powell

Động cơ đứng sau quyết định cắt giảm lãi suất của Fed sẽ quyết định tốc độ nới lỏng chính sách tiền tệ. Nếu nền kinh tế đứng trước rủi ro rơi vào suy thoái, tốc độ cắt giảm lãi suất sẽ nhanh hơn. Trong trường hợp nền kinh tế suy yếu nhưng không quá nhanh, đúng với ý định của Fed, các bước cắt giảm vì thế sẽ không quá lớn.

Tổng thống Mỹ Joe Biden chắc chắn sẽ đặc biệt “lưu tâm” tới quá trình thay đổi quan điểm chính sách tiền tệ của Fed. Với thực tế cử tri đang mất dần niềm tin vào cách thức điều hành nền kinh tế của vị tổng thống trong bối cảnh chi phí sống tăng vọt, ông có thể sẽ thất thế trong cuộc chạy đua tới nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng nếu như kinh tế Mỹ chìm sâu vào suy thoái.

Trong báo cáo việc làm mới nhất, tín hiệu cảnh báo suy thoái gần như không xuất hiện. Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 3,9% trong tháng 10 xuống 3,7% trong giai đoạn thống kê. Tốc độ tăng trưởng việc làm vẫn được giữ vững. Nhà đầu tư trên thị trường ngay lập tức thay đổi nhận định của mình về lộ trình chính sách tiền tệ sắp tới của Ngân hàng trung ương Mỹ. Hiện tại, xác suất Fed thực hiện lần cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 3 năm sau xuống dưới ngưỡng 50% và tổng mức giảm trong cả năm 2024 chỉ nhỉnh 1% đôi chút. Trước đó, họ dự báo có tới 60% khả năng Fed sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách vào tháng cuối cùng của quý I năm sau với 5 lần cắt giảm 0,25%.

Và với quan điểm thận trọng, các quan chức Fed sẽ không đưa ra những dự báo cắt giảm lãi suất quá mạnh như nhà đầu tư kỳ vọng. Chủ tịch Fed Jerome Powell và cộng sự có thể chỉ đưa ra dự báo mức cắt giảm lãi suất khoảng 0,5% trong khảo sát dot-plot trong cuộc họp tuần này.

“Chúng tôi dự báo kết quả khảo sát dot-plot cho thấy Fed sẽ không sớm cắt giảm lãi suất vào nửa đầu năm sau”, Brett Ryan, Chuyên gia kinh tế tới từ Deutsche Bank, nhận định.

Đó là điều mà ông Powell đã chia sẻ với các sinh viên Đại học Spelman, bang Atlanta vào ngày đầu tiên của tháng 12. Ông cho rằng còn quá sớm để nghĩ về khả năng Fed nới lỏng chính sách tiền tệ đồng thời bỏ ngỏ khả năng cơ quan này tiếp tục phải tăng lãi suất trong trường hợp cần thiết.

Trong 5 chu kỳ thắt chặt tiền tệ gần nhất của Fed, quãng thời gian trung bình giữa lần tăng lãi suất cuối cùng và lần giảm lãi suất đầu tiên rơi vào khoảng 8 tháng, theo Joseph Lavorgna, Kinh tế trưởng tại SMBC Nikko Securities America. Và với việc Fed tăng lãi suất lần gần nhất vào tháng 7/2023, khả năng họ giảm lãi suất vào tháng 3/2024 hoàn toàn có khả năng xảy ra.

“Khả năng Fed giảm lãi suất vào tháng 3/2024 vẫn có thể xảy ra khi sẽ có thêm ba ẩn số báo cáo việc việc làm nữa cho tới thời điểm đó với kỳ vọng thị trường lao động cũng như lạm phát tiếp tục đi theo hướng mà Fed mong muốn”, ông đánh giá.

Cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 năm sau cũng sẽ là động lực Fed hành động sớm hơn dự kiến. Ông dự báo Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ giảm lãi suất tổng cộng 125 điểm cơ bản trong năm sau, thậm chí có thể nhiều hơn. Điều này không giúp kinh tế Mỹ “né” được suy thoái nhưng phần nào hạn chế ảnh hưởng.

Ngược lại, Kinh tế trưởng thị trường Mỹ tại Bank of America - Michael Gapen dự báo kinh tế Mỹ sẽ “hạ cánh mềm” trong năm sau, tiền đề đề Fed chỉ cắt giảm 0,75% lãi suất với lần đầu diễn ra vào tháng 6. Quyết định hạ lãi suất sẽ được đưa ra khi áp lực giá cả không còn là mối nguy lớn, thay vì một nền kinh tế rệu rã, ông nhận định.

Còn theo Lindsey Piegza, Kinh tế trưởng Stifel Financial Corp, còn quá nhiều những bất ổn liên quan tới diễn biến của lạm phát thời gian tới. “Fed có thể sẽ không nhấn ga nhưng cũng sẽ không sớm chuyển sang chân phanh”, bà nhận định.

Đại Phú

Nguồn: Bloomberg
Tin liên quan