Fica
  1. Quốc tế

Khi cacao đắt đỏ hơn đồng

Đại Phú
Đại Phú

Giá cacao liên tục chinh phục đỉnh mới do nguồn cung hạn chế.

Giá cacao nối dài đà tăng với hơn 700 USD/tấn chỉ trong một ngày, qua đó có lần đầu tiên vượt mộc 9.000 USD/tấn trong bối cảnh nguồn cung gặp khó trong khi nhu cầu thị trường tăng cao. 

Cụ thể, giá mặt hàng này đã chạm ngưỡng 9.649 USD/tấn trên sàn New York và đà tăng vẫn chưa có xu hướng chững lại bất chấp mức giá đang nằm trong vùng quá mua khoảng hai tháng trở lại đây. Đây là phiên tăng thứ tư liên tiếp sau thông tin Ghana, quốc gia có sản lượng cacao lớn thứ hai thế giới, gặp vấn đề về mặt tài chính. 

Theo đó, chính phủ nước này đang đứng trước khả năng không tiếp cận được nguồn vốn quan trọng khi sản lượng cacao sụt giảm mạnh. Ủy ban Cacao Ghana, cơ quan quản lý trực tiếp hoạt động sản xuất-kinh doanh mặt hàng này, phụ thuộc lớn vào nguồn tài chính từ nước ngoài để có tiền chi trả chi phí sản xuất cho nông dân. 

Giá cacao thế giới liên tục tăng cao

Tính từ đầu tháng 3, giá cacao đã tăng khoảng 60% và gần gấp hai lần kể từ đầu năm 2024. Sản lượng mặt hàng này xuống thấp do thời tiết cực đoan và dịch bệnh hoành hành tại nhiều quốc gia Tây Phi, nơi phần lớn cacao trên thế giới được canh tác. Tình hình được dự báo không sớm được cải thiện, tạo điều kiện cho giá mặt hàng này không ngừng leo thang. 

Với tình hình hiện tại, giá cacao thế giới hoàn toàn có thể vượt mốc 10.000 USD/tấn, mức giá không tưởng chỉ vài tháng trước, biến loại nông sản này trở nên đắt đỏ hơn đồng, một kim loại quan trọng trong sản xuất công nghiệp. 

Giá cacao tăng cao sẽ được phản ánh qua số tiền mà người tiêu dùng bỏ ra để mua các sản phẩm sô-cô-la. Những quả trứng phục sinh làm bằng sô-cô-la sẽ đắt đỏ hơn nhiều và một số nhà sản xuất thậm chí đã phải cho thu nhỏ kích thước các thành socola hoặc kích cầu các dòng sản phẩm sử dụng nguyên liệu khác. 

“Sô-cô-la có thể đắt đỏ hơn trong mùa Phục Sinh 2025 nếu như tình hình thời tiết xấu và dịch bệnh kéo dài đi kèm với đà tăng của giá đường”, Diana Gomes, Chuyên gia Bloomberg Intelligence, dự báo. 

Ngoài ra, việc Liên minh châu Âu (EU) ban hành nhiều quy định mới nhắm tới việc chấm dứt tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp liên quan tới hành vi chặt phá rừng có thể khiến cho các nhà sản xuất sô-cô-la trong khu vực này khó đảm bảo được nguồn cung cacao dồi dào như trước. 

Quay trở lại với khu vực Tây Phi, nơi vụ thu hoạch giữa hai mùa vụ lớn sắp tới, các quan chức Bờ Biển Ngà, nhà cung cấp số một khu vực, cảnh báo sản lượng có thể tiếp tục sụt giảm.

Đại Phú