Fica
  1. Quốc tế

Jamaica tuyên bố ngừng vay từ Trung Quốc vì lo ngại những ý đồ "mờ ám”

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Những thỏa thuận không minh bạch và thiếu trách nhiệm của các nhà đầu tư Trung Quốc đã khiến quốc gia này lo lắng.

Jamaica tuyên bố ngừng vay từ Trung Quốc vì lo ngại những ý đồ mờ ám” - 1

Jamaica tuyên bố sẽ ngừng vay từ Trung Quốc, trong bối cảnh cần cân bằng mối quan hệ với Washington và Bắc Kinh.

Tháng Tư vừa qua, Jamaica đã ký kết tham gia Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường.

Trước đó nữa, theo Cơ sở dữ liệu tài chính Trung Quốc-Mỹ Latinh, Bắc Kinh đã đầu tư hơn 2 tỷ USD vào những dự án cơ sở hạ tầng và thương mại cho Jamaica từ năm 2005 đến 2018.

Nhưng sau chuyến thăm Trung Quốc đầu tháng này, Thủ tướng Jamaica, ông Andrew Holness nói rằng: “Trong khi những khoản hợp tác về cơ sở hạ tầng sẽ tiếp tục giữ nguyên theo cam kết, Jamaica sẽ không đàm phán thêm bất kỳ chương trình vay mới nào với các đối tác Trung Quốc”.

Trung Quốc đã liên tục có những bước tiến lớn trong vùng biển Caribbean thông qua các khoản đầu tư và cho vay, khiến Washington ngày càng lo lắng. Mỹ đến nay vẫn là bá chủ của khu vực này kể từ thế kỷ 19.

Tác động của những khoản đầu tư này vào quốc đảo Jamaica trước đó cũng gây ra sự phản ứng dữ dội trong nước dẫn đến quyết định là ngừng vay thêm từ Bắc Kinh - một động thái bất thường đối với một quốc gia tham gia ký kết Vành đai và Con đường. Đây được xem như một biện pháp đối nội hơn là lo ngại những áp lực từ Washington.

Ông Richard Bernal, cựu Đại sứ Jamaica tại Mỹ từ năm 1991 đến 2001, cho rằng, việc giảm nợ đã trở thành một phần quan trọng trong chính sách quốc gia của Jamaica.

“Quyết định không vay thêm từ Trung Quốc phù hợp với chiến dịch giảm nợ. Nó như một tín hiệu chung cho thị trường vốn quốc tế rằng kỷ luật tài khóa sẽ được duy trì tại đây”, ông nói.

Jamaica không xa lạ gì với nợ nần. Nước này là một trong những quốc gia có tỷ lệ nợ trên GDP cao nhất thế giới, ở mức hơn 145% vào năm 2012, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Khoảng 4% khoản nợ quốc gia của Jamaica - hơn 626 triệu USD - là thuộc về Trung Quốc, theo Viện Kế hoạch Jamaica.

Các nước phương Tây từ lâu đã chỉ trích Trung Quốc tiến hành chính sách ngoại giao bẫy nợ, mở rộng tín dụng quá mức với kỳ vọng nhận được các nhượng bộ trong tương lai - điều mà Bắc Kinh luôn phủ nhận.

Ông Donald Tapia, đại sứ Mỹ, đã cảnh báo rằng Bắc Kinh chỉ quan tâm đến khoáng sản và cảng của Jamaica.

Còn ông Bernal thì nói rằng, ngoài việc giải quyết các khoản nợ của nước này, quyết định từ chối các khoản vay tiếp theo từ Trung Quốc còn có lợi ích chính trị khi Jamaica đã lắng nghe và thừa nhận những lo ngại của thế giới về "bẫy nợ" từ Trung Quốc.

Jamaica tuyên bố ngừng vay từ Trung Quốc vì lo ngại những ý đồ mờ ám” - 2

Jamaica là nước đầu tiên ở Caribbean thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.

Những khoản đầu tư “mờ ám

“Có một con đường nối liền bờ biển phía bắc và phía nam của Jamaica - tại một thời điểm, con đường này từng có biệt danh là Bắc Kinh Xa lộ, các tổ chức Trung Quốc thường là những người duy nhất sẵn sàng cho vay tín dụng ở các quốc gia như Jamaica”, Ruben Gonzalez-Vicente, một giảng viên tại Đại học Leiden ở Hà Lan nói.

“Nhưng với những người dân địa phương, sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc đã tạo nên những cảm xúc lẫn lộn”, ông nói. "Những khoản vay này tạo ra sự phấn khích vì chính phủ hiện đã có tiền để đầu tư và tạo ra đòn bẩy cho nền kinh tế. Nhưng sự nghi ngờ cũng xuất hiện vì tính minh bạch và thiếu trách nhiệm của họ".

Người dân địa phương đã vô cùng phẫn nộ khi nhà máy Alpart nhôm ở Nain, cách khoảng 100km về phía tây của thủ đô Kingston, đóng cửa trong tháng Chín và sa thải hàng trăm công nhân, theo truyền thông địa phương.

Nhà máy này trước đó đã được mua bởi tập đoàn China JISCO vào năm 2016 với lời hứa từ sẽ tạo công ăn việc làm và thúc đẩy nền kinh tế địa phương.

“Trong những năm qua, các công đoàn cũng liên tục phàn nàn rằng các tập đoàn Trung Quốc trả giá cao hơn các công ty địa phương cho các hợp đồng dự án, sau đó thuê công nhân Trung Quốc thay vì người Jamaica”, theo Esther Figueroa, một nhà hoạt động môi trường tại Jamaica cho biết.

"Mặc dù có những sự phản đối này, chính phủ Jamaica vẫn rất coi trọng mối quan hệ với Trung Quốc”, ông Don Marshall, giám đốc Viện nghiên cứu tại Đại học West Indies cho biết.

“Các liên minh giữa doanh nghiệp của hai nước này là những gì mà thủ tướng sẽ muốn xem xét, cũng như đầu tư trực tiếp của Trung Quốc trong các lĩnh vực sản xuất mới,” ông nói.

Trong chuyến thăm tới Trung Quốc, Thủ tướng Holness gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Thượng Hải và cũng đã đi thăm trụ sở của hãng công nghệ Huawei.

Figueroa mô tả tình cảnh của Jamaica là “luôn luôn bị kẹt giữa hai tảng đá, đồng thời gợi nhớ đến những năm chiến tranh lạnh, khi hòn đảo nhỏ này bị nghiền nát trong cuộc chiến giữa hai người khổng lồ”.

Thùy Dung

Theo Scmp