Cụ thể, theo báo cáo công bố ngày 15/1, thiệt hại về dài hạn đối với sự phân mảnh thương mại sẽ dao động từ 0,2% GDP toàn cầu đến 7%, tương đương với tổng sản lượng hàng năm của Đức và Nhật cộng lại. Tuy nhiên, nghiên cứu này không chỉ rõ sự phân mảnh này kéo dài bao lâu thì sẽ gây tác động đến tăng trưởng ở mức độ này.
Tùy thuộc vào sự phân mảnh ở từng lĩnh vực mà báo cáo đưa ra những dự báo thậm chí còn ảm đạm hơn. Ví như với sự ngắt kết nối về công nghệ giữa các khu vực, IMF ước tính các quốc gia có thể mất đến 12% GDP.
Theo IMF, hầu hết châu Á sẽ bị ảnh hưởng do phụ thuộc quá nhiều vào độ mở của thương mại (Ảnh: Getty). |
IMF đã chỉ ra một số yếu tố góp phần làm gia tăng sự phân mảnh toàn cầu, bao gồm cuộc chiến ở Ukraine và đại dịch Covid-19.
Cả hai tình huống này đã gây ra gián đoạn toàn cầu về tài chính, nguồn cung lương thực và năng lượng. Ngoài ra, những hạn chế về thương mại càng làm tăng thêm mối bất hòa giữa các khu vực.
“Rủi ro từ những biện pháp can thiệp chính sách được đưa ra dưới danh nghĩa kinh tế hoặc an ninh quốc gia có thể gây ra những hậu quả không lường trước, hoặc họ có thể sử dụng một cách có chủ ý vì lợi ích kinh tế, khiến người khác phải trả giá đắt”, báo cáo cho biết.
Báo cáo cũng liệt kê những phân mảnh khác như hạn chế di cư xuyên biên giới, giảm dòng vốn và suy giảm hợp tác quốc tế.
Theo báo cáo, người tiêu dùng có thu nhập thấp hơn ở các nền kinh tế tiên tiến sẽ không còn khả năng tiếp cận với hàng hóa nhập khẩu rẻ hơn. Điều này khiến các nền kinh tế thị trường mở, nhỏ đặc biệt dễ bị tổn thương.
“Hầu hết châu Á sẽ bị ảnh hưởng do phụ thuộc quá nhiều vào độ mở của thương mại” báo cáo viết.
Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển cũng sẽ không còn được hưởng lợi nhờ “sự lan tỏa công nghệ” từ các nền kinh tế tiên tiến hơn, điều mà thời gian qua đã giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và mức sống.
“Thay vì đuổi kịp mức thu nhập của các nền kinh tế phát triển thì thế giới đang phát triển lại bị tụt lại phía sau”, báo cáo cho biết.
Để giải quyết tình trạng phân mảnh, IMF đã khuyến nghị 3 cách tiếp cận gồm: tăng cường hệ thống thương mại quốc tế, giúp các nước dễ bị tổn thương giải quyết nợ và đẩy mạnh hành động vì khí hậu.
Những chủ đề này có thể sẽ xuất hiện nhiều trong các cuộc thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2023 ở Davos, Thụy Sĩ, diễn ra từ ngày 16/1, với chủ đề “hợp tác trong một thế giới bị phân mảnh”.
Nhật Linh
Theo CNBC