Fica
  1. Quốc tế

IMF nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu

Đại Phú
Đại Phú

Kinh tế thế giới đang tiến gần một cuộc "hạ cánh mềm".

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lạc quan hơn về triển vọng tăng trưởng toàn cầu với “sức chống chịu dẻo dai” trước áp lực lạm phát và thay đổi chính sách tiền tệ. 

Cụ thể, trong báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu mới được công bố, IMF dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng 3,2% trong năm 2021, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với nhận định hồi tháng 1. Tốc độ tăng trưởng này sẽ được duy trì trong cả năm 2025. 

Pierre-Olivier Gourinchas, Kinh tế trưởng IMF, cho biết kết quả trên đồng nghĩa với khả năng kinh tế thế giới đang hướng tới “một cuộc hạ cánh mềm” sau không ít khủng hoảng. Rủi ro đối với tương lai kinh tế toàn cầu hiện đã cân bằng hơn nhiều so với giai đoạn trước. 

“Kinh tế toàn cầu thể hiện sức chống chịu rất tốt với sự tăng trưởng ổn định trong khi lạm phát suy yếu nhanh”, ông chia sẻ. 

IMF mang quan điểm lạc quan hơn về kinh tế toàn cầu

Các nền kinh tế phát triển tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt với Mỹ đã thành công vượt giai đoạn tiền đại dịch. Khu vực đồng tiền chung euro cũng cho thấy những tín hiệu mạnh mẽ về sự phục hồi. Tuy nhiên, Trung Quốc và một số nền kinh tế mới nổi lớn sẽ là những mắt xích yếu, theo nội dung báo cáo.

Kinh tế Trung Quốc tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản. Đây được coi là một trong những rủi ro ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, tình hình căng thẳng địa chính trị leo thang, căng thẳng thương mại, sự khác biệt trong diễn biến lạm phát tại các nền kinh tế lớn cũng như môi trường lãi suất cao cũng được coi là những “mối nguy” mà thế giới phải đối mặt. 

Ở chiều ngược lại, sự xoay chuyển theo hướng nới lỏng chính sách tiền tệ, lạm phát suy yếu, và sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) được coi nhà những chất xúc tác giúp kinh tế toàn cầu đi lên thời gian tới. 

IMF dự báo lạm phát toàn phần trên toàn thế giới sẽ giảm từ 6,8% (2023) xuống 5,9% vào năm nay và 4,5% vào năm sau với áp lực giá cả tại các nền kinh tế lớn sẽ giảm về ngưỡng mục tiêu sớm hơn so với các quốc gia mới nổi và đang phát triển. 

“Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiến gần hơn tới một cuộc hạ cánh mềm, ưu tiên trong ngắn hạn của các ngân hàng trung ương là đảm bảo xu hướng suy yếu của lạm phát trong khi không nới lỏng chính sách quá sớm hoặc thắt chặt chính sách quá dài”, Gourinchas chia sẻ. 

Dù cải thiện trong báo cáo mới nhất của IMF, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn thấp hơn so với quá khứ một phần do tốc độ tăng trưởng năng suất lao động chậm lại và thực trạng phân tách địa chính trị. Dự báo tốc độ tăng trưởng bình quân của IMF cho 5 năm tới ở ngưỡng 3,1%, thấp nhất trong hai thập kỷ trở lại đây. 

Đại Phú