Fica
  1. Quốc tế

IMF lạc quan hơn về kinh tế toàn cầu

Đại Phú
Đại Phú

Theo đại diện IMF, rủi ro suy thoái đang ngày một rời xa.

Trong báo cáo triển vọng mới nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thể hiện quan điểm lạc quan về tương lai nền kinh tế toàn cầu trước đà suy yếu nhanh hơn kỳ vọng của lạm phát. Bên cạnh đó, nền kinh tế toàn cầu cầu nhận được hỗ trợ từ đà tăng đầu tư và chi tiêu công bất chấp trong môi trường chính sách tiền tệ thắt chặt. Ngoài ra, tỷ lệ người dân tham gia thị trường lao động cao hơn, các chuỗi cung ứng vận hành trơn tru hơn và giá năng lượng, hàng hóa sụt giảm cũng góp phần đẩy nhanh tốc độ mở rộng của nền kinh tế thế giới. 

Năm 2024, IMF dự báo kinh tế toàn cầu tăng 3,1%, cao hơn 0,2% so với kết quả báo cáo công bố hồi tháng 10/2023. Trong khi đó, cơ quan này giữ nguyên kỳ vọng tăng trưởng năm 2025 ở ngưỡng 3,2%. Tuy nhiên, những con số nói trên vẫn thấp hơn so với trung bình 3,8% của giai đoạn 2000-2019. 

Kim ngạch thương mại toàn cầu cũng được dự báo tăng lần lượt 3,3% và 3,5% cho hai năm 2024, 2025, thấp hơn so với bình quân nhiều năm do các quốc gia tăng cường xây dựng các hàng rào bảo hộ. 

IMF lạc quan hơn về triển vọng kinh tế thế giới trong báo cáo mới nhất

Về lạm phát, IMF giữ nguyên dự báo cho năm 2024 ở ngưỡng 5,8% nhưng giảm kết quả cho năm 2025 từ 4,6% còn 4,4%. Nếu loại bỏ Argentina, hiện đang sở hữu lạm phát lên tới 3 chữ số, lạm phát toàn phần của thế giới thậm chí còn thấp hơn. 

Tốc độ tăng trưởng trung bình của nhóm các quốc gia phát triển được kỳ vọng ở ngưỡng 2,6%,với lạm phát sẽ chạm ngưỡng mục tiêu 2% của các ngân hàng trung ương vào năm 2025. Ở chiều ngược lại, lạm phát trong năm nay tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển vẫn neo cao ở ngưỡng 8,1% trước khi suy yếu còn 6% vào năm sau. 

Nổi bật nhất trong nhóm này là hai đầu tàu kinh tế thế giới. Mỹ được dự báo tăng trưởng 2,1% trong năm 2024, cao hơn 0,6% so với lần nhận định trước đó, nhờ vào sức mạnh chi tiêu tiêu dùng của người dân. Bên cạnh đó, dự báo đối với nền kinh tế số hai thế giới cũng được nâng từ 4,2% lên 4,6%. Lý giải cho quyết định trên, IMF cho biết chính phủ Trung Quốc đang đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ tài khóa trong khi mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản không lớn như họ đánh giá cách đây 4 tháng. 

Theo Kinh tế trưởng IMF Pierre-Olivier Gourinchas, khả năng kinh tế toàn cầu đạt “hạ cánh mềm” hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng sẽ chậm hơn so với giai đoạn trước. 

“Kinh tế toàn cầu tiếp tục thể hiện sức chống chịu tốt với lạm phát đang trên đà suy yếu trong khi tốc độ tăng trưởng dần được cải thiện. Xác suất hạ cánh mềm vì thế cũng tăng lên”, ông Gourinchas chia sẻ. “Điều đó đồng nghĩa chúng ta ngày càng tách xa khỏi viễn cảnh suy thoái”, ông nói. 

Tuy nhiên, ông lên tiếng cảnh báo về  những rủi ro mà kinh tế toàn cầu phải đối mặt, trong đó có xung đột tại Trung Đông và các cụ tấn công trên biển Đỏ. 

Đại Phú