Trung Quốc ghi nhận thông tin tích cực tới từ hoạt động bán lẻ và sản xuất. Tuy nhiên, khủng hoảng bất động sản vẫn “nhăm nhe” phá hủy thành tựu hồi phục của nền kinh tế số hai thế giới.
Cụ thể, doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 10 tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt qua dự báo tăng 7% của Reuters.
Sản lượng công nghiệp của nước này cũng cao hơn 4,6% so với tháng 10/2022, nằm trên kỳ vọng tăng 4,4%.
Doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp tại Trung Quốc tăng cao hơn dự báo trong tháng 10 |
Tuy nhiên, đầu tư cố định trong 10 tháng đầu năm tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn dự báo 3,1%. Đầu tư vào lĩnh vực bất động sản giảm 9,3% trong cùng giai đoạn, cao hơn mức giảm 9,1% của 9 tháng đầu năm.
Cũng trong báo cáo từ Cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp neo ở ngưỡng 5%, không thay đổi so với tháng 9. Dữ liệu tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm người trẻ tiếp tục bị trì hoãn.
Góp phần cải thiện doanh số bán lẻ, chi tiêu cho các sản phẩm thể thao, giải trí, nghỉ dưỡng ghi nhận mức tăng tới 25,7%. Nhóm đồ uống có cồn, thuốc lá cũng tăng trưởng với tốc độ hai chữ số. Doanh số xe hơi cao hơn 11,4% so với một năm trước đó.
Việc doanh số bán lẻ cao hơn có thể xuất phát từ kỷ nghỉ lễ kéo dài hồi đầu tháng 10. Báo cáo cho thấy chi tiêu du lịch của người dân Trung Quốc hồi phục về tiệm cận ngưỡng trước đại dịch Covid-19 bất chấp hoạt động du lịch nước ngoài vẫn thể lấy lại vị thế của mình so với ba năm trước.
Việc chính phủ nước này tung ra một loạt các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế cũng mang lại những tác động tích cực. Đó là lý do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc lên 5,4% trong năm nay.
Tuy nhiên, nền kinh tế số hai thế giới được dự báo sẽ không hồi phục một cách mạnh mẽ khi khủng hoảng bất động sản vẫn diễn biến khó lường, lạm phát thấp và hoạt động thương mại yếu.
Đại Phú