Fica
  1. Quốc tế

Huawei thách Mỹ đưa bằng chứng để chứng minh công ty theo dõi người dùng

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Trước những cáo buộc của chính phủ Mỹ về việc Huawei bí mật thu thập thông tin người dùng thông qua các cơ sở hạ tầng mạng, Huawei đã lên tiếng thách thức chính quyền Washington đưa ra bằng chứng.

Huawei “phản công” những cáo buộc của chính phủ Mỹ

Trước những cáo buộc liên tục của chính phủ Mỹ về việc Huawei lợi dụng các thiết bị viễn thông của mình để thực hiện các hành động gián điệp của thu thập thông tin người dùng, hãng công nghệ Trung Quốc đã có những động thái thách thức và phản công nhằm vào chính phủ Mỹ.

Sau khi Cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ Robert O’Brien đưa ra lời tuyên bố: “Chúng tôi có bằng chứng cho thấy Huawei có khả năng bí mật truy cập thông tin cá nhân và nhạy cảm trong các hệ thống mạng mà hãng đang cung cấp và bán ra trên toàn thế giới”, giám đốc an ninh mạng của Huawei John Suffolk đã không ngần ngại đưa ra lời đáp trả.

“Chúng tôi không truy cập vào các thiết bị, chúng tôi không biết các cuộc gọi hoặc thông tin nào đang bị chặn, chúng tôi không biết khi nào nó bị chặn”, John Suffolk trả lời hãng tin Reuters. “Tất cả những gì chúng tôi làm là cung cấp một mặt của chiếc hộp và không biết chuyện gì xảy ra ở mặt bên kia”.

Huawei thách Mỹ đưa bằng chứng để chứng minh công ty theo dõi người dùng - 1

Huawei cho rằng những lời cáo buộc của Mỹ nhằm vào mình là vô căn cứ và không có bằng chứng cụ thể nào

Không dừng lại ở đó, John Suffolk thậm chí còn chỉ trích Robert O’Brien là một kẻ bịp bợm và thách thức chính quyền Mỹ đưa ra những bằng chứng cho thấy Huawei đang thực hiện hành vi gián điệp.

“Chúng tôi chỉ muốn nói: Đừng giấu nó, đừng rụt rè. Hãy công khai nó, hãy cho cả thế giới thấy”, Suffolk thách thức chính phủ Mỹ đưa ra các bằng chứng cho lời cáo buộc của mình. “Nếu tôi phát hiện ra bất kỳ nhân viên nào của chúng tôi thực hiện hành động gián điệp, chúng tôi sẽ có hành động thích hợp”.

John Suffolk cũng đưa ra câu hỏi nếu những cáo buộc của chính phủ Mỹ về Huawei là đúng thì tại sao vẫn có những khách hàng tin tưởng vào Huawei và công ty vẫn liên tục phát triển trong suốt 30 năm qua.

Huawei hiện là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và các nhà phân tích nhận định rằng công nghệ của Huawei đã vượt trội đến 2 năm so với các đối thủ như Nokia hay Ericsson. Ngoài ra, mối quan hệ chặt chẽ giữa Huawei và chính quyền Trung Quốc cho phép Huawei có những ưu đãi lớn về mức giá cho khách hàng của mình.

Nỗ lực kêu gọi tẩy chay Huawei của chính phủ Mỹ đang gặp nhiều khó khăn

Kể từ tháng 5/2019, Huawei bị chính phủ Mỹ đưa vào “danh sách đen”, cấm mọi hoạt động giao dịch với các công ty tại Mỹ, vì những cáo buộc hoạt động gián điệp và thu thập thông tin người dùng.

Sau lệnh cấm của mình, chính phủ Mỹ cũng đã tìm cách thuyết phục các quốc gia đồng minh đưa ra lệnh cấm, ngừng hợp tác với Huawei trong việc xây dựng và triển khai mạng viễn thông, đặc biệt mạng 5G. Tuy nhiên, những nỗ lực của chính phủ Mỹ dường như đang trở nên thất bại khi nhiều quốc gia thân cận với Mỹ vẫn tiếp tục lựa chọn Huawei làm đối tác để triển khai mạng 5G.

Anh, một trong những quốc gia thân cận nhất với Mỹ, vẫn tiếp tục để Huawei tham gia vào việc triển khai mạng viễn thông tại quốc gia này. Mặc dù chính phủ Anh cho biết sẽ giám sát nghiêm ngặt Huawei, động thái này vẫn khiến chính quyền Washington tức giận và đe dọa rằng sẽ cắt đứt chia sẻ thông tin tình báo với Anh. Tuy nhiên, có vẻ như Anh sẽ không phải chịu thiệt hại nào nghiêm trọng cho quyết định của mình, ngoại trừ một cuộc gọi điện giận giữ từ Tổng thống Mỹ Donald Trump đến cho Thủ tướng Anh Boris Johnson.

Huawei thách Mỹ đưa bằng chứng để chứng minh công ty theo dõi người dùng - 2

Người dùng đang trải nghiệm smartphone mới được ra mắt của Huawei tại một sự kiện diễn ra ở Đức vào năm ngoái

Một quốc gia thân cận khác của Mỹ tại châu Âu là Đức có vẻ như cũng đã sẵn sàng chọn Huawei để phát triển mạng viễn thông cho mình, bất chấp những lời đe dọa được đưa ra bởi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark T. Esper khi cả hai tham gia một hội nghị an ninh toàn cầu diễn ra tại Munich vào cuối tuần trước.

Trong những bài phát biểu chính thức và những buổi nói chuyện riêng tư, Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Mark T. Esper đã cảnh báo châu Âu không nên để “bị lừa” bởi “hướng đi sai” của Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh những nguy cơ khi để một công ty Trung Quốc kiểm soát các hệ thống mạng quan trọng, giúp chính phủ Trung Quốc có khả năng do thám hoặc có thể ngắt kết nối mạng nếu xảy ra xung đột.

“Nếu các quốc gia lựa chọn đi theo lộ trình của Huawei, nó có thể gây nguy hiểm cho các thông tin được chúng ta chia sẻ và có thể làm suy yếu liên minh, hoặc ít nhất là mối quan hệ của chúng tôi với quốc gia đó”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper đưa ra lời đe dọa với các quốc gia đồng minh tại châu Âu.

Tuy nhiên, Đức lo ngại rằng việc cấm Huawei có thể sẽ gây hại tới ngành công nghiệp xe hơi của Berlin. Trong khi đó, Anh - quốc gia đã cho phép Huawei tham gia vào những phần “không nhạy cảm” của dự án 5G - lo ngại rằng lệnh cấm 5G có thể ảnh hưởng tới quan hệ thương mại giữa họ và Trung Quốc hậu Brexit.

Chính quyền Washington dường như cũng nhận ra rằng những cảnh báo liên tục của họ đang mất đi giá trị tại châu Âu, vì vậy Mỹ đang nhắm đến việc bóp chặt lệnh trừng phạt với Huawei bằng cách cấm Huawei sử dụng các công nghệ của Mỹ cũng như cố gắng tìm một giải pháp để hợp tác với các quốc gia châu Âu nhằm cạnh tranh với Huawei.

Trong tháng này, chính phủ Mỹ dự kiến sẽ siết chặt hơn nữa lệnh trừng phạt nhằm vào Huawei bằng cách cấm Huawei tiếp tục mua các bộ phận và sản phẩm từ các công ty của Mỹ, dù trước đó chính quyền của Tổng thống Trump cũng đã cấm các công ty Mỹ thực hiện mọi giao dịch thương mại với Huawei khi chưa được cấp phép.

Theo nhiều nhà quan sát, cuộc chiến giữa chính phủ Mỹ và Huawei chỉ là một phần của cuộc chiến lớn hơn giữa Mỹ và Trung Quốc, khi chính quyền Washington đang cố gắng kiềm chế tầm ảnh hưởng và sức mạnh của Trung Quốc để đảm bảo rằng Trung Quốc không thống trị các ngành công nghiệp tiên tiến, có thể mang lại những lợi thế về kinh tế và quân sự, đặc biệt các hệ thống mạng 5G mà Huawei đang triển khai xây dựng ở nhiều nơi. Những hệ thống mạng 5G này sẽ được sử dụng để kiểm soát thông tin liên lạc, cơ sở hạ tầng quan trọng, các hệ thống xe tự lái và thậm chí hoạt động của các căn cứ quân sự...

Những nỗ lực hạn chế tầm ảnh hưởng của Huawei mà chính phủ Mỹ đang thực hiện gặp nhiều khó khăn vì thiếu đi một giải pháp thay thế, khi Huawei đang là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và có mức giá rẻ, một phần nhờ được trợ giá bởi chính phủ Trung Quốc. Hiện tại, Nokia và Ericsson là hai “đối thủ nặng ký” của Huawei trong cuộc đua cung cấp thiết bị hạ tầng viễn thông, nhưng hai công ty châu Âu này cũng đang gặp nhiều khó khăn để có thể cạnh tranh với Huawei trong việc đưa ra mức giá phù hợp cũng như chạy đua để phát triển công nghệ.

Chính quyền Tổng thống Trump cũng đã thúc giục các công ty của Mỹ như Cisco hay Oracle cạnh tranh với Huawei trong việc cung cấp các giải pháp hạ tầng viễn thông, thậm chí đưa ra phương án mua lại hoặc cung cấp các khoản vay cho Nokia lẫn Ericsson để đi tắt trong cuộc đua với Huawei, tuy nhiên, điều này rất khó có thể trở thành hiện thực trong bối cảnh nội bộ của chính phủ Mỹ đang có nhiều sự chia rẽ sâu sắc như hiện nay.

T.Thủy
Tổng hợp

Tin liên quan