Biểu tượng của ngân hàng HSBC (Ảnh: Reuters). |
Phóng viên TTXVN tại Malaysia dẫn lời Giám đốc Điều hành của ngân hàng HSBC tại châu Á-Thái Bình Dương Surendra Rosha cho biết mặc dù thế giới đang phải đối mặt với thời kỳ tăng trưởng yếu và lạm phát cao kéo dài, Đông Nam Á có lý do để lạc quan với các yếu tố cơ bản vững chắc, giúp thúc đẩy tăng trưởng và kỳ vọng về tương lai tươi sáng.
Trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng toàn cầu bị hạ bậc, Báo cáo Triển vọng tháng 9 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã nâng dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm (GDP) của khu vực từ 4,9% lên 5,1%.
Ngân hàng HSBC kỳ vọng Thái Lan, Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia và Việt Nam sẽ tăng trưởng từ 3,2%-7,6% trong năm 2022 bất chấp những bất ổn và biến động kinh tế.
Trước đó, một cuộc khảo sát của HSBC đối với 1.500 công ty từ Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Mỹ, Vương quốc Anh cho thấy 90% công ty nước ngoài hoạt động trong khu vực có kế hoạch tăng cường sự hiện diện trong hai năm tới.
Các nước Đông Nam Á đã tham gia vào 2 trong số các hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) bao trùm toàn bộ khu vực Đông Nam Á và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với Malaysia, Singapore và Việt Nam là thành viên.
Sự cởi mở và hội nhập của khu vực đã giúp Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trở thành khối thương mại phát triển nhanh nhất thế giới và hiện chiếm gần 8% xuất khẩu toàn cầu. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực, ASEAN hiện chiếm khoảng 10% tổng đầu tư toàn cầu, gần bằng với Trung Quốc đại lục.
Quy mô dân số, tốc độ phát triển kỹ thuật số và tính năng động là những nhân tố giúp khu vực Đông Nam Á thu hút sự quan tâm của quốc tế. Dân số của Đông Nam Á là 680 triệu người, gấp đôi so với Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.
Thu nhập của người dân trong khu vực ngày càng tăng, với lực lượng lao động ngày càng lành nghề và có mức lương cạnh tranh. Dân số trẻ và năng động sẽ giúp tăng quy mô tầng lớp tiêu dùng trong những năm tới.
Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN, Đông Nam Á sẽ có thêm khoảng 140 triệu người tiêu dùng mới vào năm 2030.
Nhóm này sẽ có cơ hội tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật số ngày càng phát triển. Báo cáo tổng quan của Google, Temasek và Bain & Co cho thấy dân số Đông Nam Á cũng đang truy cập trực tuyến với tốc độ rất cao.
Ước tính có khoảng 40 triệu người dùng Internet mới vào năm 2020 và 2021. EMarketer dự báo doanh số bán hàng thương mại điện tử của khu vực sẽ tăng 21%, mức nhanh nhất trên thế giới, lên 90 tỷ USD trong năm 2022.
Tuy nhiên, triển vọng tươi sáng không giúp Đông Nam Á miễn nhiễm với những cơn gió ngược lớn hơn. Lạm phát toàn cầu sẽ làm giảm nhu cầu xuất khẩu và những thách thức địa chính trị làm gia tăng rủi ro, ngay cả khi việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng đang thúc đẩy tăng trưởng cho một số quốc gia như Thái Lan và Malaysia.
Về lâu dài, thách thức lớn nhất là biến đổi khí hậu. Đông Nam Á là một trong những khu vực có nguy cơ cao nhất trên thế giới về xu hướng nóng lên toàn cầu nói chung và mực nước biển dâng cao nói riêng.
Về mặt kinh tế, ADB ước tính rằng nếu không được kiểm soát, biến đổi khí hậu sẽ làm giảm 11% GDP của Đông Nam Á vào cuối thế kỷ này. Tuy nhiên, các cam kết liên quan của khu vực cũng rất rõ ràng. Tất cả 10 quốc gia ASEAN đều đã ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và ASEAN đã cam kết tỷ trọng năng lượng tái tạo của khu vực đạt 23% vào năm 2025.
Bất chấp bóng đen của đại dịch COVID-19 trong vài năm qua cũng như những bất ổn khác của thị trường, HSBC dự báo những năm tới sẽ là thời kỳ đầy hứa hẹn đối với Đông Nam Á, tràn ngập những cơ hội tiềm năng trong nhiều lĩnh vực như ô tô (Thái Lan), sản xuất điện tử (Malaysia), tài nguyên thiên nhiên (Indonesia) và dịch vụ tài chính (Singapore), thông qua việc thúc đẩy doanh nghiệp trên khắp các thị trường kết nối và làm việc cùng nhau./.