Fica
  1. Quốc tế

Hồng Kông dọa sẽ kiện Mỹ lên WTO vì yêu cầu gắn nhãn hàng “Made in China”

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Chính quyền Hồng Kông mới đây đã chính thức lên tiếng phản đối yêu cầu gắn nhãn “Made in China” lên các sản phẩm xuất khẩu của Hồng Kông sang Mỹ và cảnh báo rằng sẽ trình vấn đề này lên WTO.

Hồng Kông dọa sẽ kiện Mỹ lên WTO vì yêu cầu gắn nhãn hàng “Made in China” - 1

Người đứng đầu cơ quan Thương mại và Phát triển Kinh tế Hồng Kông, Edward Yau. Ảnh: Getty

Theo Reuters, người đứng đầu cơ quan Thương mại và Phát triển Kinh tế Hồng Kông – Edward Yau hôm 16/9 đã cho rằng yêu cầu của Mỹ là “không phù hợp với luật lệ của WTO”, và “vi phạm quyền của Hồng Kông trong vai trò một khu vực hải quan riêng biệt”.

Đồng thời ông yêu cầu lãnh sự quán Mỹ tại Hồng Kông chuyển một lá thư tới đại diện thương mại Robert Lighthizer để làm rõ sự phản đối của thành phố đối với động thái này và bỏ ngỏ khả năng có thể đưa vấn đề này lên WTO.

“Chúng tôi là một thành viên độc lập của WTO”, ông Yau nhấn mạnh.

Ông Yau cũng cho biết, ông đã hướng dẫn các văn phòng thương mại của thành phố tại Mỹ và các đại diện tại WTO chuyển tải thông điệp tương tự tới Mỹ.

Về cơ hội thành công, ông Yau nói: “Đó là vấn đề mang tính nguyên tắc cũng như mối quan tâm của Hồng Kông và mối quan tâm của khu vực kinh doanh. Điều này cũng nói về tư cách thành viên WTO của Hồng Kông. Nếu một bên áp đặt các biện pháp không hợp lý đối với thành viên khác, nó sẽ có hệ lụy đối với tất cả các thành viên WTO ”.

Hồng Kông dọa sẽ kiện Mỹ lên WTO vì yêu cầu gắn nhãn hàng “Made in China” - 2

Năm 2019, Hồng Kông xuất khẩu hàng hóa sản xuất trong nước trị giá 471 triệu USD sang Mỹ. Ảnh: Reuters

Trước đó, Cơ quan Đăng kiểm liên bang Mỹ hồi đầu tháng 8 thông báo các hàng hóa sản xuất tại Hồng Kông xuất khẩu sang Mỹ sẽ phải gắn nhãn “Made in China” sau khi Trung Quốc áp dụng luật an ninh quốc gia đối với đặc khu kinh tế này.

Việc gắn nhãn này sẽ chính thức được áp dụng sau ngày 25/9. Động thái này diễn ra sau khi Washington ngưng áp dụng Đạo luật Chính sách Hồng Kông 1992 và sử dụng sắc lệnh “Bình thường hóa Hồng Kông” của Tổng thống Donald Trump.

Hai quyết định trên chấm dứt tư cách thương mại đặc biệt Mỹ áp dụng cho Hồng Kông. Tư cách này đã bảo vệ Hồng Kông trước những đòn áp thuế Washington giáng vào hàng hóa Trung Quốc từ năm 2018 đến nay.

Hồng Kông dọa sẽ kiện Mỹ lên WTO vì yêu cầu gắn nhãn hàng “Made in China” - 3

Nguồn gốc sản xuất của thành phố rất sâu sắc, với nhãn hiệu sản xuất tại Hồng Kông từng là hình ảnh quen thuộc trên khắp thế giới trên mọi thứ, từ đồ chơi đến đồ điện tử giá rẻ. Ảnh: Getty

Tuy nhiên, các quy định mới không ảnh hưởng đến tình trạng xuất xứ của sản phẩm, có nghĩa là hàng hóa sản xuất tại Hồng Kông không phải chịu mức thuế trừng phạt tương tự mà Mỹ đã áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại bùng phát từ mùa hè năm 2018.

Mỹ là điểm đến lớn thứ hai cho các chuyến hàng do Hồng Kông sản xuất, chiếm 7,7% tổng xuất khẩu nội địa của thành phố vào năm 2019, trong đó đại lục là điểm đến lớn nhất.

Năm 2019, Hồng Kông xuất khẩu hàng hóa sản xuất trong nước trị giá 471 triệu USD sang Mỹ, hầu hết là đồ trang sức, thực phẩm, hàng điện tử và thiết bị gia dụng. Tuy nhiên, những lô hàng đó chỉ chiếm 0,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus hồi tháng 8 cho biết, bước đi này xuất phát từ “quyết định rằng Hồng Kông không còn đủ mức tự chủ để đáp ứng cách đối xử khác biệt so với Trung Quốc”. Do đó, hàng hóa trái luật sẽ chịu mức thuế phạt 10% khi đến các cảng của Mỹ.

Cũng theo bà Ortagus, Tổng thống Trump đã xác định Hồng Kông không còn đủ điều kiện để tiếp tục được hưởng ưu đãi từ Mỹ, do đó Mỹ sẽ đối xử với Hồng Kông như một quốc gia, một hệ thống và sẽ hành động trừng phạt các cá nhân làm mất đi sự tự do của người dân Hồng Kông.

Hương Vũ

Theo Reuters