Quốc tế 31/05/2024 12:04

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc bất ngờ 'thu hẹp' sau hai tháng mở rộng

Kết quả trên phản ánh quá trình phục hồi không ổn định của nền kinh tế số hai thế giới.

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc bất ngờ sụt giảm trong tháng 5, phản ánh rõ quá trình phục hồi không hề “bằng phẳng” của nền kinh tế số hai thế giới. 

Cụ thể, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất được Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố ngày 31/5 đạt 49,5 điểm, thấp hơn mốc 50,4 điểm ghi nhận một tháng trước đó. Kết quả thực tế thậm chí đi ngược lại với dự báo tăng lên 50,5 điểm của nhóm chuyên gia tham gia khảo sát của Bloomberg. Số điểm cao hơn 50 đại diện cho sự mở rộng và ngược lại. 

PMI sản xuất của Trung Quốc lùi về dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng 5

“Cú quay xe” sau hai tháng liên tiếp mở rộng chính là lời cảnh báo đối với mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm 2024 mà Chính phủ Trung Quốc đề ra hồi đầu năm. Các lĩnh vực sản xuất phục vụ xuất khẩu được kỳ vọng đóng vai trò động cơ tăng trưởng chính đối với nền kinh tế số hai thế giới trong bối cảnh niềm tin tiêu dùng của người dân chịu ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản. 

Bên cạnh đó, rủi ro đối với các nhà sản xuất Trung Quốc cũng ngày một tăng cao khi căng thẳng với các đối tác thương mại leo thang. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này, liên tục thể hiện quan ngại về việc Bắc Kinh đang châm ngòi “quả bom dư thừa” (sản xuất hàng hóa quá nhiều) thông qua các gói trợ cấp, buộc họ phải dựng lên các hàng rào phòng hộ mới nhắm vào những sản phẩm mà Trung Quốc có lợi thế sản xuất như xe điện, tấm pin năng lượng mặt trời,...

Trên thực tế, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã áp thuế nhập khẩu 100% đối với xe điện và nhiều hàng hóa khác từ Trung Quốc. EU được dự báo sẽ làm điều tương tự trong một vài tuần tới trong khi hiện tại đang tiến hành điều tra hành vi trợ cấp của chính phủ trên nhiều lĩnh vực. 

Hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực trong giai đoạn 4 nhưng có thể đảo chiều khi trong báo cáo PMI tháng 5, chỉ số đơn hàng mới lần đầu tiên sụt giảm sau 3 tháng. Trong khi đó, giá cả nguyên vật liệu đầu vào lại tăng lên ngưỡng cao nhất 8 tháng do giá hàng hóa toàn cầu đi lên.

“Quá trình hồi phục của nền kinh tế nhờ vào hoạt động sản xuất vẫn tương đối mong manh”, Raymond Yeung, Chuyên gia tới từ Ngân hàng ANZ, nhận định. “Trong một vài tháng tới, làn sóng bảo hộ thương mại có thể là cơn gió chướng mới đối với nền sản xuất của Trung Quốc”, ông bổ sung.

Ở một diễn biến khác, chỉ số PMI phi sản xuất (bao gồm xây dựng và dịch vụ) đạt 51,1 điểm trong cùng giai đoạn, tiếp tục thấp hơn điểm số của tháng trước và kỳ vọng của thị trường.

Đại Phú 

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *