Ba cuộc khủng hoảng liên tiếp
Ngành vận tải biển liên tiếp gặp khủng hoảng, khiến chi phí vận chuyển hàng hóa bằng con đường này tăng mất kiểm soát trong thời gian gần đây.
Đầu tiên là khủng hoảng thiếu hụt container trầm trọng trong bối cảnh các nền kinh tế lớn trên thế giới phục hồi nhanh chóng từ đại dịch Covid-19, thị trường bùng nổ làn sóng mua hàng. Thiếu container nên việc vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc sang châu Âu và Mỹ đều bị trì trệ, các doanh nghiệp và người tiêu dùng chịu cảnh giá cao.
Cuộc khủng hoảng thứ hai đến từ việc một trong những con tàu container lớn nhất thế giới - Ever Given - bị mắc kẹt ở kênh đào Suez, chặn tuyến đường giao thương chính của thế giới trong gần một tuần. Khoảng 12% thương mại toàn cầu đi qua kênh đào này với trung bình hơn 50 tàu chở hàng đi qua mỗi ngày. Kết quả, dòng thương mại hàng hóa quốc tế trị giá 9 tỷ USD mỗi ngày bị gián đoạn nghiêm trọng.
Giờ đây, thế giới chuẩn bị phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng vận tải biển mới khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở miền nam Trung Quốc, làm gián đoạn hoạt động của các cảng biển và gây chậm trễ trong việc giao hàng.
Tỉnh Quảng Đông ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt trong thời gian gần đây, buộc cơ quan chức năng Trung Quốc phải phong tỏa các quận huyện và đóng cửa doanh nghiệp để ngăn chặn virus lây lan.
Công suất xử lý hàng hóa tại các cảng biển theo đó cũng giảm xuống, gây ra sự chậm trễ nghiêm trọng trong việc vận chuyển hàng hóa. Đồng thời, chi phí vận chuyển - vốn đã cao - nay càng lên cao hơn vì thời gian tàu hàng chờ tại cảng bị kéo dài, giới phân tích và chuyên gia trong ngành cho hay.
Ngành vận tải biển hứng chịu 3 cuộc khủng hoảng liên tiếp kể từ đầu năm nay (Ảnh: Nikkei Asia).
"Sự gián đoạn ở Thâm Quyến và Quảng Châu là rất lớn. Chỉ riêng hai cảng này thôi cũng có thể gây ra tác động lớn chưa từng có tới chuỗi cung ứng", theo Brian Glick - nhà sáng lập kiêm CEO của nền tảng tích hợp chuỗi cung ứng Chain.io.
Quảng Đông là trung tâm vận chuyển lớn của Trung Quốc và chiếm khoảng 24% tổng xuất khẩu của quốc gia này. Đây cũng là nơi đặt cảng Thâm Quyến và Quảng Châu - cảng biển lớn thứ 3 và thứ 5 thế giới tính về khối lượng container cập cảng - theo số liệu của Hội đồng Vận tải Thế giới.
"Tôi nghĩ rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng đang tăng lên và giá xuất khẩu cũng như chi phí vận chuyển có thể lên cao hơn nữa. Tỉnh Quảng Đông đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu", chuyên gia kinh tế trưởng Zhang Zhiwei tại Pinpoint Asset Management nhận định.
Còn theo JP Wiggins - Phó chủ tịch tại công ty phần mềm vận chuyển 3GTMS, khủng hoảng cảng biển ở Trung Quốc sẽ gây ra nhiều gián đoạn hơn đối với người tiêu dùng Mỹ vì nhiều tàu chở hàng bị ảnh hưởng đều có lộ trình tới Bắc Mỹ.
Cước vận chuyển cao nhất mọi thời đại
Khủng hoảng vận tải biển là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc chi phí vận chuyển tăng vọt.
"Nhiều doanh nghiệp vận chuyển vừa và nhỏ đầu hàng vì chi phí đang cao hơn mức biên lợi nhuận mà họ kiếm trên những món hàng phải giao. Chi phí vận chuyển đang ở mức cao chưa từng thấy, báo giá có khi cao gấp 5 - 10 lần định mức thông thường. Chúng ta vượt trần giá nhiều lần tới nỗi không ai có thể nói khi nào nó sẽ đạt đỉnh", ông Glick của Chain.io nói.
Trong khi đó, ông Wiggins cảnh báo cước vận chuyển đang dao động mạnh và các công ty vận chuyển nên có kế hoạch chi tiêu gấp đôi vì không ai lường trước được diễn biến trong tương lai.
Những doanh nghiệp vận chuyển không đủ khả năng giải quyết tình trạng giao hàng chậm trễ sẽ tìm cách chuyển từ vận chuyển đường biển sang đường hàng không, theo Shehrina Kamal, phó chủ tịch mảng Intelligence Solutions tại công ty Everstream Analytics.
Hiệu ứng dây chuyền
Thời gian chờ đợi để cập bến của các tàu chở hàng tại cảng quốc tế Yantian International ở Thâm Quyến tăng vọt, từ mức trung bình là 0,5 ngày lên 16 ngày, bà Kamal cho hay. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng dây chuyền tới các cảng gần đó vì nhiều hãng vận tải bắt đầu chuyển hướng. Cảng Nansha ở Quảng Châu gần đây ghi nhận dòng hàng hóa đổ về tăng vọt.
Tình trạng tắc nghẽn và trễ tàu được cho là sẽ kéo dài thêm 2 tuần nữa, nếu không muốn nói là dài hơn, theo bà Kamal. Thậm chí, các tỉnh lân cận như Quảng Tây, Vân Nam, Hồ Nam và Hồ Bắc cũng sẽ chịu áp lực lớn khi phải tiếp nhận các tàu chở hàng chuyển hướng. Cảng biển của trung tâm tài chính Hồng Kông cũng bị ảnh hưởng.
Hoạt động vận chuyển xuyên biên giới giờ đây có thể thực hiện thông qua vận tải đường bộ. Tuy nhiên, cơ quan chức trách Trung Quốc gần đây đã thắt chặt giao thông đường bộ do đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Điều này có nghĩa là tất cả xe tải chạy xuyên biên giới ít nhất phải được khử trùng. Và việc này cũng có thể khiến hoạt động vận chuyển hàng hóa bị chậm trễ, bà Kamal nhận định. Nhìn chung, lượng hàng hóa lưu thông tại các cảng biển ở tỉnh Quảng Đông sẽ vẫn chậm chạp trong tháng 6.
"Cùng với đại dịch Covid-19 bùng phát ở Ấn Độ và Đông Nam Á, giá hàng hóa và chi phí vận tải cao, việc ca nhiễm ở tỉnh Quảng Đông gia tăng có thể làm tăng áp lực lạm phát ở các quốc gia khác", ông Zhang nhận định.
Kim Dung
Theo CNBC