Các dự án golf resort của ông Donald Trump đang lỗ rất nhiều tiền. Theo một báo cáo của New York Times công bố năm ngoái, 15 dự án sân golf trên toàn cầu do ông sở hữu đã lỗ hơn 315 triệu USD trong 20 năm qua. Câu hỏi thú vị đặt ra là tại sao ông Trump vẫn đeo bám nhiều doanh nghiệp thua lỗ như vậy?
Tại sao ông Trump vẫn tiếp tục vận hành các sân golf dù thua lỗ? (Ảnh: Getty).
Phần lớn thỏa thuận tài chính của ông Trump vẫn là điều bí ẩn mặc dù các cuộc điều tra về việc ông Trump vi phạm ngân hàng và gian lận thuế có thể tiết lộ nhiều hơn.
Business Insider cho rằng không ai biết chính xác tài sản của ông Trump có bao nhiêu. Không ai rõ lý do gì ông Trump lại quyết định đầu tư 400 triệu USD vào hai dự án golf resort tại Scotland và càng không ai biết gì mà bản khai thuế của ông.
Tuy nhiên, theo Business Insider, do ở Anh yêu cầu các công ty phải công khai tài khoản hàng năm, các chi tiết về khoản lỗ hàng năm của hai sân golf ở Scotland mới được hé lộ.
Vậy tại sao ông Trump và các con trai của ông, những người đã điều hành doanh nghiệp khi ông còn làm Tổng thống, vẫn tiếp tục vận hành những sân golf thua lỗ như vậy?
Các khoản lỗ của ông Trump là không bình thường
Ông Trump có hai dự án golf resort tại Scotland. Sân golf đầu tiên là Trump International Golf Links ở Aberdeenshire được khai trương năm 2012. Sân golf này ghi nhận thua lỗ hàng năm kể từ đó.
Tính đến năm 2019, năm trước khi đại dịch Covid-19 bắt đầu tàn phá nhiều doanh nghiệp, Trump International Golf Club Scotland Limited, công ty sở hữu sân golf này, hàng năm lỗ 1,5 triệu USD. Tổng số nợ của khu nghỉ mát này là hơn 60 triệu USD, theo bảng cân đối kế toán.
Sân golf thứ hai ở Scotland là sân golf Turnberry, được mệnh danh là viên ngọc quý của đế chế golf toàn cầu nhà Trump. Năm 2014, ông Trump đã chi 60 triệu USD để mua sân golf này, sau đó chi thêm 150 triệu USD để tân trang lại khu nghỉ dưỡng này thêm xa hoa.
Năm 2019, công ty mẹ của Turnberry là Golf Recreation Scotland báo lỗ 3,25 triệu USD trên doanh thu 26 triệu USD, nợ gần 160 triệu USD, theo bảng cân đối kế toán.
Vận hành một sân golf mang lại lợi nhuận là điều rất khó (Ảnh: Trump Organization).
Ông Larry Hirsh, Chủ tịch Golf Property Analysts, cho rằng, các khoản lỗ như vậy không phải là chưa từng có ở ngành này. Vận hành một sân golf mang lại lợi nhuận là điều rất khó.
"Phải tốn rất nhiều chi phí cho trò chơi này và ông Trump chưa bao giờ ngại về việc định giá các tài sản của mình. Chắc chắn, số lượng người chơi golf đã sụt giảm trong 15-20 năm qua", ông nói.
Tuy nhiên, ông cũng thêm rằng, chắc chắn để các sân golf lớn thua lỗ không phải là ý tưởng. "Tôi không nghĩ nó bình thường", ông nói.
Ông Trump không thực sự đầu tư vào sân golf
Trả lời phỏng vấn Reuters hồi năm 2016, ông Trump cho biết, các khu nghỉ dưỡng của ông "không thực sự đầu tư vào golf" mà là các giao dịch phát triển bất động sản.
"Nó khá đơn giản. Việc nắm giữ các sân golf thực ra là khoản đầu tư vào hàng nghìn đơn vị nhà ở và khách sạn. Đến một lúc nào đó, công ty của tôi sẽ thực hiện chúng. Nhưng chúng tôi không vội", ông nói.
Tuy nhiên, theo Reuters, trong thập kỷ qua, ông Trump đã không xây một bất động sản nhà ở nào trên các sân golf mà ông đang sở hữu.
Năm 2008, ông được cấp phép xây dựng khoảng 1.500 ngôi nhà hạng sang và một khách sạn trên khu đất nông nghiệp xung quanh Aberdeenshire mà Tập đoàn Trump gọi là "sân golf lớn nhất thế giới". Nhưng hiện vẫn chưa có ngôi nhà hay khách sạn nào được xây dựng.
Năm 2019, ông cũng được chấp thuận tái kế hoạch xây dựng 500 ngôi nhà. Tuy nhiên, việc xây dựng vẫn chưa thực hiện.
Tại sân golf Turnberry, ông Trump cũng không phát triển được hàng trăm căn nhà trên khu đất liền kề. Trước đó, ông từng nói với Reuters rằng ông được quyền xây ít nhất hàng nghìn ngôi nhà ở Turnberry. Tuy nhiên, năm 2019, chính quyền địa phương đã từ chối kế hoạch phát triển khu đất này.
Đơn giản chỉ là do kém cỏi?
Hồ sơ kinh doanh của ông Trump được ghi chép rất rõ. Ông là một thiên tài về tiếp thị bản thân. Ông lấy tên mình đặt cho các khu nghỉ dưỡng cao cấp trên toàn thế giới. Và điều đó đưa ông đến Nhà Trắng.
Nhưng ngược lại, ông cũng phải nếm trải hàng chục lần thất bại đắt giá. Các doanh nghiệp của ông cũng đã nộp đơn phá sản đến 6 lần. Ông đã phải đóng cửa những sòng bạc ở thành phố Atlantic sau khi nợ hàng tỷ USD. Năm 2017, Đại học Trump của ông cũng phải trả 25 triệu USD cho các sinh viên cũ sau khi bị phán quyết là gian lận. Một hãng hàng không mang tên Trump Shuttle cũng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn ngủi.
Hai sân golf Turnberry và Trump Links là hai ví dụ nữa về các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả của ông Trump.
Nhật Linh
Theo Business Insider