SCMP dẫn cảnh báo của giới phân tích và các nhà lãnh đạo trong ngành bán lẻ rằng vị thế thiên đường mua sắm của Hồng Kông sẽ bị đe dọa nếu thành phố láng giềng Thâm Quyến triển khai trước khu mua sắm miễn thuế ở khu vực Vịnh Lớn (GBA).
Thâm Quyến đang xem xét phát triển một khu mua sắm miễn thuế quốc tế ở khu vực Vịnh Lớn (Ảnh: Shutterstock).
Một số chuyên gia cho biết, du khách Trung Quốc đại lục - chiếm gần 80% lượng khách du lịch của Hồng Kông trước đại dịch - sẽ thích mua hàng hóa xa xỉ và mỹ phẩm ở thành phố Quảng Đông hơn nếu chính sách thuế được nới lỏng.
"Nếu hai nơi đều áp một mức thuế như nhau thì tại sao du khách đại lục lại muốn tới Hồng Kông để mua sắm?", ông Michael Cheng Woon-yin, phụ trách các thị trường tiêu dùng châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc đại lục và Hồng Kông của hãng kiểm toán PwC đặt câu hỏi.
Tháng trước, chính quyền Thâm Quyến thông báo họ có kế hoạch xem xét một loạt đề xuất, bao gồm việc phát triển một khu mua sắm miễn thuế quốc tế ở GBA với các cửa hàng mới mở ở trung tâm thành phố và nâng giới hạn mua hàng miễn thuế ở đây.
GBA là kế hoạch đầy tham vọng của Bắc Kinh nhằm nhóm 9 thành phố của tỉnh Quảng Đông, Hồng Kông và Ma Cao thành một trung tâm kinh tế và kinh doanh tích hợp để cạnh tranh với Thung lũng Silicon ở California (Mỹ). Năm ngoái khu vực này có tổng cộng hơn 86 triệu dân.
Mặc dù không có thông tin chi tiết về đề xuất của Thâm Quyến cũng như bất kỳ dấu hiệu về thời điểm triển khai nếu được thông qua, song các nhà quan sát Hồng Kông đã nhanh chóng đưa ra những dự đoán tồi tệ nhất đối với thành phố này.
Họ cho rằng, lĩnh vực bán lẻ của Hồng Kông sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Trong 2 năm qua, GDP của Thâm Quyến đã vượt qua Hồng Kông.
Theo ông Cheng của PwC, các sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng được bán ở Hồng Kông có giá thấp hơn 15-20% so với các thành phố ở Trung Quốc đại lục nhờ chính sách thuế thấp của thành phố, không bao gồm sự biến động của tỷ giá.
Ví dụ như Hồng Kông không có thuế giá trị gia tăng, trong khi thuế hàng hóa nhập khẩu vào đại lục có thể lên đến 13%, theo đánh giá của PwC.
Nhưng nếu Thâm Quyến chọn miễn thuế thì lý do chính khiến du khách Trung Quốc đại lục đổ xô tới các trung tâm mua sắm cao cấp ở Hồng Kông sẽ bị loại bỏ.
"Hồng Kông vẫn có lợi thế khác trong việc cung cấp hàng hóa chất lượng. Nhưng nếu đại lục bắt kịp và có các sản phẩm với chất lượng tương tự thì lợi thế đó không là gì cả", ông Cheng nói.
Các sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng được bán ở Hồng Kông có giá thấp hơn từ 15-20% nhờ lợi thế thuế thấp (Ảnh: SCMP).
Đồng tình với quan điểm của ông Cheng, nhà lập pháp Peter Shiu Ka-fai, người đại diện cho lĩnh vực bán buôn và bán lẻ Hồng Kông cũng cảnh báo, sự sụt giảm về lượng du khách đại lục sẽ ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp khác của Hồng Kông. Theo ông, nếu Thâm Quyến quyết định tiếp tục đề xuất này thì không chỉ ảnh hưởng đến ngành bán lẻ Hồng Kông mà còn tổn hại đến vị thế điểm đến du lịch hàng đầu của thành phố này.
Ngoài ra, ông Peter cũng lưu ý rằng, Thâm Quyến không phải là đối thủ duy nhất của Hồng Kông và đề cập đến tăng trưởng doanh số bán lẻ trên đảo Hải Nam, một tỉnh ở phía nam Trung Quốc. Tháng 7 năm ngoái, đảo Hải Nam đã nâng hạn ngạch mua hàng miễn thuế hàng năm lên gấp 3 lần, từ mức 30.000 nhân dân tệ/người (4.630 USD) lên 100.000 nhân dân tệ/người.
Theo số liệu chính thức, doanh số bán hàng miễn thuế ra nước ngoài của Hải Nam đã tăng gấp 4 lần lên 15,39 tỷ nhân dân tệ trong quý I năm nay bất chấp đại dịch làm gián đoạn việc đi lại xuyên biên giới.
Ngược lại, doanh số bán lẻ của Hồng Kông trong nửa đầu năm nay chỉ tăng 8,4% lên 174,4 tỷ đô la Hồng Kông do cú đúp biểu tình vào năm 2019 và đại dịch.
Bà Annie Tse Yau On-yee - Chủ tịch Hiệp hội Quản lý Bán lẻ Hồng Kông, đại diện cho hơn 9.000 cửa hàng - cho biết một số thành viên đã lo lắng về các kế hoạch khu mua sắm miễn thuế của Thâm Quyến.
Cuối năm ngoái, nhà cung cấp dịch vụ bất động sản toàn cầu Savills cho biết, các thương hiệu xa xỉ đã bắt đầu chuyển trọng tâm sang các thành phố như Quảng Châu, Thâm Quyến, đảo Hải Nam và sẽ tiếp tục rời bỏ Hồng Kông để tập trung vào các tỉnh phía nam Trung Quốc.
Nhà kinh tế học Andy Kwan Cheuk-chiu - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Kinh tế ACE - cho biết nếu Thâm Quyến đi trước, những rủi ro đối với các nhà bán lẻ Hồng Kông sẽ càng khó giải quyết. "Nếu không có sự khác biệt về thuế khi mua một chiếc túi Chanel ở Thâm Quyến hay Hồng Kông thì người ta sẽ chỉ tới Thâm Quyến", ông nói.
Tuy nhiên, ông Simon Smith - Giám đốc nghiên cứu và tư vấn cấp cao của Savills cho rằng, một số người mua sắm trong ngày có thể chọn khu mua sắm miễn thuế ở Thâm Quyến nhưng những người khác vẫn đến Hồng Kông.
Ông lý giải, rất khó để một doanh nghiệp miễn thuế ở đại lục tái tạo được sức hấp dẫn của Hồng Kông. Bởi ngoài mua sắm và giảm giá, Hồng Kông còn hấp dẫn du khách ở các nhà hàng, quán bar và các điểm tham quan hấp dẫn như công viên nước mới ở Ocean Park.
Nhà lập pháp du lịch Yiy Si-wing cũng lo ngại về tác động đối với các nhà bán lẻ Hồng Kông nếu Thâm Quyến triển khai "con bài" miễn thuế. Tuy nhiên, cũng như ông Smith, ông cũng tin rằng Hồng Kông có nhiều thứ hơn cho du khách như Bảo tàng cung điện Hồng Kông dự kiến khai trương vào ngày 19/8 hay khu phức hợp Skycity gần sân bay với các cơ sở bán lẻ, nhà hàng, giải trí… sẽ mở cửa từng giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025. "Những yếu tố mới này sẽ thay thế dần lợi thế bán lẻ truyền thống của chúng tôi", ông khẳng định.
Nhật Linh
Theo SCMP