Mức thuế trung bình của Mỹ đối với hàng Trung Quốc tăng 600% so với trước khi cuộc chiến thương mại diễn ra. Ảnh: Reuters
“Thiệt hại”, “liều lĩnh” và “thảm họa” là những cụm từ ông Joe Biden đã sử dụng để mô tả các mức thuế quan do đối thủ của mình ông Donald Trump áp đặt lên các đồng minh và đối thủ.
Tuy vậy, các chuyên gia cho biết, nếu trở thành tổng thống Mỹ, ông Biden sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức cũng như sức ép về thương mại.
Nếu ông Biden đắc cử, các công đoàn muốn Nhà Trắng bảo vệ việc làm của người lao động và tăng đầu tư hạ tầng, trong khi cánh tả đòi chống biến đổi khí hậu và giảm giá thuốc, nông dân và các tập đoàn Mỹ kêu gọi giảm thuế và ổn định lại quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Sự pha trộn của các lợi ích xung đột sẽ buộc ông Biden phải áp dụng chiến thuật “chờ đợi và quan sát” một khi ông trở thành tổng thống Mỹ. Chính vì vậy, ông sẽ phải giữ lại nhiều mức thuế đã được áp dụng sẵn bởi Tổng thống Donald Trump để đánh lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, theo ý kiến của các cố vấn, nhà vận động hành lang và các nhà phân tích.
“Không rõ ông Biden sẽ giải quyết những xung đột giữa các lực lượng cạnh tranh khác nhau như thế nào?”, Mary Lovely, giáo sư kinh tế Đại học Syracuse và là thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson phát biểu.
Theo số liệu của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ, một loạt các mức thuế đáng kinh ngạc mà chính quyền Trump áp dụng đối với hàng hóa trị giá 370 tỷ USD của Trung Quốc trong năm 2018 và 2019 đã khiến các nhà nhập khẩu Mỹ thiệt hại khoảng 61,6 tỷ USD cho đến nay, và bị đánh giá đã làm xói mòn khả năng cạnh tranh sản xuất của Mỹ. Ngoài ra, Nhà Trắng còn đánh thuế lên hàng hóa từ Liên minh châu Âu (EU), tăng mức thiệt hại thêm 12,2 tỷ USD.
Nếu đắc cử, ông Joe Biden sẽ đối mặt với sức ép từ nhiều phía. Ảnh: Bloomberg
Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc thu hẹp trong năm 2019, nhưng mới đây Cục Thống kê Dân số Mỹ cho biết, thâm hụt thương mại Mỹ tháng 7 tăng lên đến 63,6 tỷ USD, mức cao nhất trong vòng 12 năm qua. Thâm hụt với Trung Quốc chiếm 50% con số này.
Các chuyên gia thương mại cho rằng, ông Biden khó có thể thay đổi chính sách thương mại với Trung Quốc. “Ông ấy sẽ không gỡ bỏ thuế trừng phạt đánh vào hàng Trung Quốc”, nhà kinh tế Nathan Sheets, cựu Thứ trưởng Thương mại Mỹ, cho biết.
“Mọi lực lượng chính trị - từ cánh tả, cánh hữu đến trung dung đều đang đặt ra các yêu cầu rằng, ông Biden cần phải có những chính sách mạnh mẽ hơn nữa đối với Trung Quốc”, Chuyên gia trưởng về kinh tế tại PGIM Fixed Income nhấn mạnh.
Khi còn là thượng nghĩ sĩ, ông Biden đã luôn ủng hộ thương mại tự do trong thời kỳ mà toàn cầu hóa gia tăng. Ông coi đây là con đường dẫn đến thịnh vượng. Ông ủng hộ Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) năm 1994 và việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001.
Ông Biden chỉ trích thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 chưa giải quyết các hành vi thương mại không công bằng và hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ. Ảnh: Getty
Ở vị trí phó tổng thống trong chính quyền Tổng thống Barack Obama, ông ủng hộ mạnh mẽ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và nỗ lực của chính quyền Obama nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Á.
Chính những sự ủng hộ trên đã là vũ khí, tạo cơ hội cho ông Trump công kích Biden là “mềm mỏng với Trung Quốc” .
Ông Biden đã phản bác lại, nói rằng ông không ngại sử dụng các rào cản thương mại - nhưng chỉ khi chúng có ý nghĩa.
“Tôi sẽ sử dụng thuế quan khi cần thiết, nhưng sự khác biệt giữa tôi và Trump là tôi sẽ có một chiến lược - một kế hoạch - sử dụng những mức thuế đó để giành chiến thắng, chứ không chỉ để giả tạo sự cứng rắn”, ông Biden nhấn mạnh.
Kế hoạch kinh tế “Made in All of America” của Biden đề xuất việc sử dụng thuế quan dựa trên carbon để trừng phạt các quốc gia không đáp ứng được các mục tiêu về khí hậu, một động thái có thể làm hài lòng những người tiến bộ mong muốn Hoa Kỳ có quan điểm về sự nóng lên toàn cầu.
Kế hoạch này cũng cam kết cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới và “các hành động thực thi thương mại tích cực” chống lại các hành vi không công bằng của Trung Quốc và các nước khác, bao gồm thao túng tiền tệ, bán phá giá hàng xuất khẩu dưới giá thành và “lạm dụng công ty nhà nước hoặc trợ cấp không công bằng. Chính quyền Trump nhằm giải quyết vấn đề bán phá giá của Trung Quốc và trợ cấp của nhà nước, nhưng thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 thì không.
Hương Vũ
Theo CNBC