Fica
  1. Quốc tế

Hàng hoá Trung Quốc ra nước ngoài gặp khó vì vấn đề vận chuyển

Quỳnh Ngọc
Quỳnh Ngọc

Các công ty Trung Quốc muốn đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá ra toàn cầu đang gặp phải các vấn đề về vận chuyển.

Chi phí vận chuyển container đã tăng gấp 5 lần từ mức khoảng 3.000 USD/container lên 15.000 USD/container.

Tiếp cận với nguồn hàng sản xuất giá rẻ trong nước đang mang lại lợi thế cho các doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài. Nhưng điều đó đang trở thành bất lợi khi đại dịch và căng thẳng thương mại làm gián đoạn các kênh cung cấp quốc tế.

Bà Fang Xueyu - Phó Chủ tịch tiếp thị quốc tế kiêm Tổng giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của công ty thiết bị gia dụng Trung Quốc Hisense - cho biết nhiều hàng hóa của công ty không thể vận chuyển ra ngoài.

Chi phí vận chuyển container đã tăng gấp 5 lần từ mức khoảng 3.000 USD/container lên 15.000 USD/container. Trong khi đó, mất khoảng một tuần hàng mới đến được châu Âu, theo bà Fang.

Từ vụ tắc nghẽn ở kênh đào Suez hồi tháng 3 cho đến sự xuất hiện trở lại của dịch Covid-19 ở các trung tâm xuất khẩu lớn của Trung Quốc như Quảng Châu hồi tháng 6 khiến cho hoạt động vận chuyển bị gián đoạn, ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu.

Ông Alexander Klose, Phó giám đốc điều hành hoạt động ở nước ngoài của công ty khởi nghiệp ô tô điện Trung Quốc cho biết có rất nhiều xáo trộn trong hệ thống hậu cần. Vì vây, công ty ông đã phải thay đổi hoặc lùi thời gian vận chuyển, vì không có tàu, không có container. Sự gián đoạn này đã khiến một số chuyến hàng bị trì hoãn từ 2-3 tháng bởi ô tô đang nằm ở cảng và chưa được chuyển đi.

Trong khi đó nhu cầu của người nước ngoài đối với các sản phẩm sản xuất ở Trung Quốc vẫn mạnh. Cơ quan hải quan Trung Quốc cho biết, xuất khẩu hàng hoá sang châu Ấu đã tăng 35,9% so với một năm trước lên 233 tỷ USD, trong khi sang Mỹ tăng 42,6% lên 252,86 tỷ USD.

Công ty đồ gia dụng Hisense vẫn muốn mở rộng xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Năm ngoái, trong đại dịch, công ty này đã đạt 7,93 tỷ USD doanh thu từ thị trường quốc tế. Hisense đặt mục tiêu đến năm 2025 tăng gấp 3 lần đóng góp doanh thu từ thị trường nước ngoài vào tổng doanh thu lên 23,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, sự chậm trễ trong việc vận chuyển đang là thách thức mới nhất mà các công ty Trung Quốc phải đối mặt khi cố gắng tiếp cận thị trường quốc tế.

James Root - một cộng sự của hãng tư vấn Bain cho biết, trong số khoảng 3.400 công ty Trung Quốc đang kinh doanh trên thị trường quốc tế chỉ có khoảng 200 công ty có doanh thu trên 1 tỷ USD. Theo ông, các công ty này có xu hướng chạy theo mô hình xuất khẩu nhiều hơn hoạt động kinh doanh quốc tế.  

Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Nhiều nhà kinh tế dự đoán, nước này sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vài năm tới.

Nhật Linh

Theo CNBC