Fica
  1. Quốc tế

Hai “bài toán” cấp bách trên con đường phát triển của Trung Quốc

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Trung Quốc có những nhiệm vụ quan trọng cần phải thực hiện trước khi đạt được tham vọng trở thành cường quốc toàn cầu trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với Mỹ.

Hai “bài toán” cấp bách trên con đường phát triển của Trung Quốc - 1

Các công nhân làm việc trong nhà máy tại Trung Quốc (Ảnh: EPA)

Trung Quốc vừa kỷ niệm 70 năm Quốc khánh (1/10) với hàng loạt sự kiện, bao gồm lễ duyệt binh có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại quảng trường Thiên An Môn. Trong giai đoạn chiến tranh thương mại leo thang với Mỹ, các hoạt động này cũng góp phần tăng cường tinh thần dân tộc tại Trung Quốc.

Sau hàng chục năm phát triển đất nước, Trung Quốc đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, song cũng đạt được những thành tựu nhất định. Từ năm 1949-1979, tỷ lệ biết chữ tại Trung Quốc tăng từ dưới 20% lên mức 66%, trong khi tuổi thọ của người dân nước này cũng tăng từ 41 lên 64 tuổi. Những thành tựu này có được nhờ chương trình “cải cách và mở cửa” của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, từ đó giúp mở ra giai đoạn tăng trưởng và phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc trong 40 năm qua.

Mặc dù danh sách những việc cần làm của Trung Quốc hiện nay vẫn còn dài, song các nhà lãnh đạo nước này cũng đang tìm cách giải quyết từng vấn đề, từ giảm bất bình đẳng xã hội cho tới đảo ngược suy thoái môi trường và tái cấu trúc nền kinh tế. Nếu muốn thành công, Trung Quốc cần thực hiện 2 nhiệm vụ cấp bách trong những năm tới.

Đầu tiên, Trung Quốc cần vươn lên vị thế của một nước có thu nhập cao. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn trông cậy vào quy mô khổng lồ của thị trường nước này cũng như mức tăng trưởng sản xuất nhanh chóng để nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, các yếu tố này mới chỉ tác động tới nền kinh tế Trung Quốc, trong khi các cơ chế, công nghệ và tư duy của Bắc Kinh hiện vẫn chỉ đáp ứng mức thu nhập 10.000 USD/người, chứ chưa thể đạt đến mức 30.000 USD/người như nước này mong muốn.

Thứ hai, Trung Quốc phải đảm bảo rằng Sáng kiến Vành đai và Con đường của nước này đạt được thành công. Điều này đồng nghĩa với việc Bắc Kinh phải triển khai một chương trình phát triển cơ sở hạ tầng vừa đảm bảo hiệu quả về mặt chi phí vừa thân thiện với môi trường và không dẫn tới những khoản nợ khó trả.

Cả hai mục tiêu trên đều không dễ thực hiện, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ môi trường bên ngoài. Trong khi Trung Quốc tưng bừng kỷ niệm ngày Quốc khánh, cộng đồng quốc tế, trong đó dẫn đầu là Mỹ, vẫn đang lo ngại việc Bắc Kinh nuôi tham vọng trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu về công nghệ và địa chính trị.

Trung Quốc phải tìm cách để khiến các nước khác giữ “bình tĩnh” trước tốc độ phát triển nhanh chóng của Bắc Kinh. Điều này đòi hỏi phải có sự trao đổi cởi mở, thẳng thắn và liên tục giữa Trung Quốc và các nước bên ngoài.

“70 năm đầu tiên với sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc đã mang lại sự phát triển nhanh chóng, nhưng rốt cuộc đây vẫn chỉ là thành công khiêm tốn. Bây giờ, Trung Quốc phải chuyển sự tập trung của nước này sang việc nâng cao thu nhập và thực thi Sáng kiến Vành đai và Con đường một cách có hiệu quả. Những mục tiêu này chỉ có thể đạt được trong bối cảnh ổn định và hòa bình. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu được điều đó. Nhưng họ vẫn phải thuyết phục phương Tây rằng họ sẽ làm như vậy”, Keyu Jin, giáo sư tại Trường Kinh tế London, nhận định.

Thành Đạt

Theo SCMP