Fica
  1. Quốc tế

Giới siêu giàu Mỹ vội vàng tìm cách né "thuế tỷ phú"

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Đề xuất đánh thuế tỷ phú có thể khiến các tỷ phú như Elon Musk và Jeff Bezos có thể buộc phải bán bớt hơn 1/5 số công ty mà họ đang kiểm soát.

Đề xuất thuế tỷ phú mà đảng Dân Chủ Mỹ vừa đưa ra nhắm thẳng vào giới siêu giàu - những người có tài sản ít nhất 1 tỷ USD hoặc thu nhập từ 100 triệu USD trong 3 năm liên tiếp - buộc họ phải trả thuế hàng năm cho bất kỳ khoản lợi nhuận của các tài sản được giao dịch công khai như cổ phiếu.

Đối với các tài sản khó định giá hơn rất nhiều như tài sản tư nhân, Sở Thuế vụ Mỹ sẽ có cách tiếp cận dễ thở hơn một chút, yêu cầu các tỷ phú phải trả thêm thuế khi tài sản nắm giữ đã được bán.

Giới siêu giàu Mỹ vội vàng tìm cách né thuế tỷ phú - 1

Với thuế thu nhập dài hạn ở mức 23,8%, các tỷ phú như Elon Musk và Jeff Bezos về lý thuyết có thể buộc phải bán bớt hơn 1/5 số công ty mà họ kiểm soát (Ảnh: Forbes).

Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ Ron Wyden nói rằng đây là một cách để tăng doanh thu và cân bằng sân chơi giữa tầng lớp trung lưu - những người trả thuế thu nhập cá nhân hàng năm và tầng lớp thượng lưu - những người có thể tìm nhiều chiêu để trì hoãn các hóa đơn thuế, đôi khi vô thời hạn.

Các chuyên gia cho rằng mức thuế này quá khó thực hiện, có thể bị coi là trái hiến pháp. Và theo tỷ phú quản lý quỹ đầu cơ Leon Cooperman thì đây được coi là một động thái tiêu cực nhằm "tấn công những người giàu có".

Thách thức lớn nhất của đảng Dân chủ là tìm cách đảm bảo tầng lớp siêu giàu Mỹ thực sự sẽ trả thứ thuế này. Đạo luật thuế mới được công bố hôm thứ Tư nhưng đã được Wyden và nhóm của ông nghiên cứu trong vài năm - bao gồm các điều khoản nhằm vào các chiến lược ngăn chặn mà các cố vấn cao cấp hàng đầu đã bắt đầu nhen nhóm ví dụ như tín thác và các sản phẩm bảo hiểm.

Tuy nhiên, các tỷ phú luôn có thể mua những cố vấn tinh vi nhất về thuế - kế toán và luật sư, những người vừa có thể thách thức luật pháp trước tòa vừa có thể tìm ra các cách lách luật mới.

Ông Warren Racusin, một đối tác của Lowenstein Sandler ở New York, cho biết: "Các luật sư và kế toán sẽ là những người chiến thắng".

Theo Bloomberg Billionaires Index, các tỷ phú Mỹ đã tăng gấp đôi giá trị tài sản ròng của họ trong 5 năm qua lên hơn 5.000 tỷ USD, bao gồm cả mức tăng 1.200 tỷ USD trong 12 tháng qua. Bởi vì những người giàu có hiếm khi cần bán tài sản của họ, phần lớn khối tài sản mới đó đến từ những khoản chưa lợi nhuận hóa. Những tỷ phú cần tiền thường có thể vay tài sản của mình và tránh phải trả hóa đơn thuế.

Tầng lớp siêu giàu sẽ có động lực cực mạnh để tìm mọi cách tránh thuế. Trong năm đầu tiên người nộp thuế - năm 2022 đối với các tỷ phú hiện tại - sẽ nợ thuế với tất cả các khoản lợi nhuận được tạo ra từ tài sản giao dịch công khai cho đến thời điểm thu thuế. Các tỷ phú sẽ có 5 năm để thanh toán số thuế đó và có khả năng bị đánh thuế mức tăng cao nhất là 23,8%. Từ đó về sau, họ sẽ phải trả thuế thu nhập hàng năm từ tài sản công. Đối với bất kỳ khoản lỗ nào, họ sẽ nhận được một khoản khấu trừ, các tỷ phú được phép áp dụng khoản khấu trừ này cho các hóa đơn thuế trong 3 năm sau hoặc 3 năm trước.

Tiền điện tử và các tài sản kỹ thuật số khác có thể cũng bị áp dụng khoản thuế hàng năm này. Mặc dù đề xuất thuế không đề cập cụ thể nhưng có định nghĩa rộng về tài sản công, bao gồm những tài sản "có thể giao dịch dễ dàng" trên thị trường hoặc "có sẵn trên nền tảng trực tuyến hoặc điện tử" phù hợp với người mua và người bán.

Các tài sản cá nhân, bao gồm sản phẩm nghệ thuật, bất động sản và các doanh nghiệp không công khai khó định giá, sẽ có cách xử lý khác với các tài sản giao dịch công khai khác như cổ phiếu hay trái phiếu. Tuy nhiên, để tránh việc các tỷ phú tránh né bằng cách chuyển hết tất cả tài sản sang chế độ riêng tư, đề xuất thuế này sẽ tính thêm một khoản phí đối với tài sản tư nhân khi được bán.

Ngưỡng thuế mập mờ

Nếu luật thuế tỷ phú đi vào thực tiễn, nhiệm vụ đầu tiên của nhiều cố vấn tài chính sẽ là nghĩ cách để đảm bảo các khách hàng giàu có của họ né được "viên đạn" này. Các siêu tỷ phú có thể sẽ không tránh được, đặc biệt nếu họ nắm giữ các tài sản được giao dịch công khai với giá trị rõ ràng, nhưng các gia đình có khoảng 1 tỷ USD thì có thể tìm cách nộp thuế dưới ngưỡng.

Đề xuất của Thượng viện Mỹ không giải thích rõ liệu cách Sở Thuế vụ xác định tài sản của người sở hữu 1 tỷ USD trở lên. Cơ quan này sẽ được phép thu thập thêm dữ liệu tài sản của tầng lớp giàu có, nhưng luật được thiết kế để tránh các cuộc đấu tranh pháp lý trong vấn đề giá trị tài sản tư nhân giữa Sở Thuế vụ và người nộp thuế.

Ví dụ, người nộp thuế sẽ không phải thuê người đánh giá hàng năm để xác định giá trị của doanh nghiệp và tài sản của mình. Thay vào đó, Sở Thuế vụ Mỹ sẽ xác định tỷ phú qua giá trị các tài sản nhất định đã được thỏa thuận, chẳng hạn như giá mua và giá của các khoản đầu tư được giao dịch công khai.

Một cách để tránh khỏi sự kìm kẹp của thuế tỷ phú là tặng tài sản cho gia đình. Những kẽ hở trong thuế di sản và quà tặng hiện có thể giúp các tỷ phú tránh thuế bằng cách chuyển hàng tỷ USD cho những người thừa kế. Nhưng các đảng viên đảng Dân chủ Hạ viện đã chuẩn bị sẵn kế hoạch đối phó với các chiến lược trốn thuế này.

Ủy thác chuyển nhượng

Một cách phổ biến để chuyển tài sản cho con cái là ủy thác chuyển nhượng tài sản, tỷ phú cũng sẽ chịu trách nhiệm trả thuế đối với tài sản của quỹ ủy thác. Các quỹ tín thác, có thể bao gồm ủy thác mang lại lợi ích cho nhiều thế hệ con cháu giàu có, sẽ đối mặt với mức thuế ở ngưỡng thấp hơn so với các tỷ phú. Đối với đề xuất thuế mới này, các quỹ tín thác sẽ bắt buộc phải trả thuế khi có ít nhất 10 triệu USD lợi nhuận hoặc 100 triệu USD tài sản trong 3 năm.

Những tỷ phú có khối tài sản gắn liền với các công ty giao dịch công khai hoặc các tài sản có thể giao dịch sẽ là những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ thuế này. Với thuế thu nhập dài hạn ở mức 23,8%, các tỷ phú như Elon Musk và Jeff Bezos về lý thuyết có thể buộc phải bán bớt hơn 1/5 số công ty mà họ kiểm soát.

Điều này sẽ không xảy ra, theo giáo sư luật David Gamage của Đại học Indiana. Ông nói: "Khi chúng ta đang nói về các tỷ phú, việc lập kế hoạch tài chính rất dễ dàng. Các tỷ phú có thể vay với lãi suất rất thấp. Họ có thể sử dụng các công cụ phái sinh và các sản phẩm tài chính khác để rút tiền mặt mà không cần bán".

Ông Josh Baron - một đối tác tại Banyan Global chuyên tư vấn cho giới tỷ phú - cho biết chủ sở hữu của các công ty đại chúng có thể kiếm tiền bằng cách bán cổ phiếu. Tuy nhiên, trong quá trình này, những gia đình có cổ phần nhỏ hơn trong công ty của họ có thể có nguy cơ mất quyền kiểm soát công ty.

"Tôi không nghĩ Elon Musk sẽ mất quyền kiểm soát với Tesla, nhưng có những gia đình sẽ mất quyền lợi này nếu phải bán cổ phần", ông Baron.

Tài sản cá nhân

Các tỷ phú sẽ tìm cách chuyển tiền từ các khoản đầu tư công sang tài sản tư nhân và các nhà làm luật cũng đã tính trước bước đi này và thiết kế thêm phí thu hồi đối với việc bán tài sản tư nhân của các tỷ phú.

Các cố vấn tài chính chắc chắn sẽ dành hàng giờ để phân tích xem cấu trúc nào - công cộng hay tư nhân - có khả năng tiết kiệm nhiều tiền nhất cho khách hàng của họ.

Hiện tại thuế này nhằm vào một số ít trong giới siêu giàu - hơn 800 người với tổng tài sản hơn 5.000 tỷ USD. Một số người tự hỏi liệu trong tương lai thuế có thể được mở rộng và áp dụng trong cả giới tỷ phú.

Các chuyên gia tư vấn tài chính cho biết họ dự kiến sẽ thử nhiều chiến thuật khác nhau để miễn thuế hàng năm cho tài sản. Một lựa chọn đang được xem xét nhiều nhất là các chiến lược bảo hiểm, và đội ngũ của ông Wyden đang đề xuất các điều khoản nhằm đối phó với chiến lược mới này từ các tỷ phú, kể cả các chiến thuật như quỹ từ thiện hay quà tặng cho các tổ chức phi lợi nhuận.

Mạc Khanh
Theo Bloomberg