Giá vàng thế giới nối dài đà tăng trong phiên giao dịch đầu tuần (1/4) nhờ vào kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sớm cắt giảm lãi suất cũng như tính chất phòng hộ rủi ro cao của kim loại này.
Cụ thể, giá vàng giao ngay có thời điểm chạm mốc 2.265,53 USD/ounce trong khi giá vàng tương lai cũng tăng lên ngưỡng 2.286,39 USD/ounce. Đây là mức giá cao nhất từng được ghi nhận.
Giá vàng lập kỷ lục mới trong phiên 1/4 |
“Tâm lý trên thị trường vàng đang tương đối phấn khích”, Joseph Cavatoni, Chiến lược gia thị trường tại Hội đồng Vàng Thế giới (World Gold Council). “Động lực đứng sau đà tăng này là gì? Tôi cho rằng nhà đầu tư trên thị trường ngày một tự tin rằng Fed sẽ sớm cắt giảm lãi suất”, ông chia sẻ.
Hiện thị trường dự báo Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ thực hiện bước cắt giảm đầu tiên vào tháng 6 tới.
Cuối tuần vừa qua, Fed đón nhận thêm một dữ kiện lạm phát mới với chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tăng 2,8% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái, đồng nhất với dự báo của giới chuyên gia. Trong kỳ họp mới nhất, Fed một lần nữa giữ nguyên lãi suất điều hành đồng thời không thay đổi kế hoạch cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm nay.
Diễn biến giá vàng thường bám sát kỳ vọng chính sách lãi suất. Khi lãi suất giảm, vàng sẽ trở nên hấp dẫn hơn so với các loại hình tài sản thu nhập cố định như trái phiếu.
Theo Caesar Bryan, Giám đốc đầu tư tại Gabelli Funds, giá vàng còn nhận được hỗ trợ từ đà gia tăng nhu cầu nước ngoài.
“Tại Trung Quốc, các nhà đầu tư tư nhân đẩy mạnh mua vàng trong bối cảnh thị trường bất động sản suy yếu”, Bryan chia sẻ. Nền kinh tế nước này cũng chưa thể quay trở lại giai đoạn tăng trưởng nhanh như trước đó và thị trường chứng khoán rêu rã cũng khiến nhà đầu tư chuyển hướng qua vàng, ông bổ sung.
Việc các ngân hàng trung ương đẩy mạnh mua vàng trong thời gian qua nhằm đa dạng kênh dự trữ, phòng tránh các rủi ro địa chính trị, đối phó với lạm phát cũng như đà suy yếu của đồng USD cũng góp phần kéo giá kim loại quý này đi lên, Chuyên gia Cavatoni chia sẻ.
Đại Phú