Fica
  1. Quốc tế

Giá dầu vọt tăng khi OPEC+ xem xét cắt giảm sản lượng

Giá dầu trong phiên giao dịch sáng nay (3/10) tại châu Á đồng loạt tăng mạnh khi OPEC+ có ý định cắt giảm sản lượng trong cuộc họp diễn ra vào tuần này, nhằm ngăn chặn đà rơi của nhiên liệu này.

Trên trang OilPrice, lúc 8h20 sáng nay (giờ Việt Nam), giá dầu WTI đang được giao dịch ở mức 81,43 USD/thùng, tăng 1,94 USD, tương đương tăng 2,44%. Giá dầu Brent cũng tăng 2,08 USD, tương đương 2,44% lên mức 87,22 USD/thùng. Trước đó, có lúc cả hai hợp đồng dầu thô đều tăng vọt trên 3%.

Giá dầu vọt tăng khi OPEC+ xem xét cắt giảm sản lượng - 1

OPEC+ đang xem xét cắt giảm hơn 1 triệu thùng dầu mỗi ngày nhằm chặn đà rơi của giá dầu (Ảnh: Reuters).

CNBC đưa tin, tuần trước các nguồn tin của OPEC cho biết, OPEC+ đang xem xét cắt giảm hơn 1 triệu thùng dầu mỗi ngày nhằm chặn đà rơi của giá dầu. Đây được cho là mức cắt giảm lớn nhất kể từ đại dịch Covid-19, thời điểm đó OPEC+ đã giảm kỷ lục 10 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, quyết định cuối cùng về quy mô cắt giảm bao nhiêu sẽ được đưa ra trong cuộc họp các bộ trưởng năng lượng diễn ra vào ngày 5/10 tới tại Vienna (Áo).

Cuộc họp của OPEC+ vào ngày 5/10 tới diễn ra trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh và thị trường biến động trong nhiều tháng khiến nhà sản xuất dầu hàng đầu của OPEC+ là Saudi Arabia cho biết nhóm này có thể phải cắt giảm sản lượng.

Trước đó, OPEC+, bao gồm cả Nga, đã từ chối nâng sản lượng để hạ nhiệt giá dầu, hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu bất chấp áp lực từ các nước lớn như Mỹ.

Tuy nhiên, giá dầu thô đã có mức giảm theo quý đầu tiên trong hơn 2 năm qua do lo ngại suy thoái toàn cầu làm giảm triển vọng về nhu cầu năng lượng. Các ngân hàng như JPMorgan Chase gần đây cho rằng OPEC+ có thể giảm sản lượng ít nhất 500.000 thùng/ngày để ổn định giá dầu.

Do đó, việc cắt giảm sản lượng này có thể gây ra làn sóng chỉ trích từ Mỹ và các nước tiêu thụ dầu lớn khác khi họ đang phải vật lộn với lạm phát cao do giá năng lượng tăng và kinh tế giảm tốc.

Tuần trước, Trung Quốc đã ban hành hạn ngạch mới cho việc xuất khẩu nhiên liệu và nhập khẩu dầu thô nhằm phục hồi nền kinh tế. Điều này khiến triển vọng về nhu cầu dầu sáng sủa hơn. Trung Quốc hiện là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Trong năm nay, nền kinh tế nước này đã bị ảnh hưởng bởi các đợt phong tỏa ngăn chặn Covid-19 và sự sụt giảm của thị trường bất động sản.

Theo Nhật Linh

CNBC, Bloomberg/Dân trí