Fica
  1. Quốc tế

Giá dầu thô Brent được dự báo ra sao trong năm 2023?

Các tổ chức lớn trên thế giới đưa ra dự báo giá dầu thô Brent nằm trong khoảng 92-110 USD/thùng.

Sau khi lao dốc về mức gần 20 USD/thùng khi dịch Covid-19 bùng phát, giá dầu thô Brent liên tục tăng mạnh do động thái cắt giảm sản lượng và biến động chính trị thế giới.

Trong bối cảnh thị trường dầu thô toàn cầu thắt chặt, căng thẳng giữa Nga và Ukraine càng làm trầm trọng thêm tình trạng đó, đẩy giá dầu Brent chạm mức cao kỷ lục kể từ năm 2008 là 139,13 USD/thùng vào tháng 3. Sau đó, giá dầu Brent hạ nhiệt dần về cuối năm 2022 nhưng vẫn ở mức cao nhất trong 8 năm qua (trên 90 USD/thùng).

VnDirect kỳ vọng giá dầu Brent sẽ duy trì quanh mức này trong thời gian còn lại của năm nay, tương ứng với mức giá trung bình năm 2022 là 100 USD/thùng.

Nhận định này cũng tương đồng với dự báo của các tổ chức lớn trên thế giới đưa ra hồi tháng 10 và tháng 11. Cụ thể, cơ quan thông tin và năng lượng Hoa Kỳ (EIA) dự báo giá dầu Brent ở mức 95,3 USD/thùng trong năm tới. Mức dự báo của World Bank là 92 USD/thùng. Kết quả khảo sát của Reuters là 95,7 USD/thùng, Bloomberg Consensus là 98 USD/thùng. Thậm chí Goldman Sachs đưa ra dự báo giá dầu lên mức 110 USD/thùng trong năm 2023.

Năm tới nhu cầu dầu thô toàn cầu có thể sẽ giảm tốc do những trở ngại đến từ đồng USD mạnh hơn, chính sách Zero-Covid của Trung Quốc và cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine.

Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ dự báo nhu cầu toàn cầu sẽ tăng 1% so với cùng kỳ, đạt mức trung bình 101 triệu thùng/ngày cho cả năm 2023 (so với mức tăng 2,2% so với cùng kỳ trong năm 2022).

Tuy nhiên, VnDirect nhận thấy ít có khả năng thị trường rơi vào tình trạng dư cung do những lo ngại về nhu cầu tiêu thụ chậm lại có thể được xoa dịu bởi những động thái từ phía nguồn cung (đặc biệt là từ OPEC+), hỗ trợ giá dầu duy trì ở mức cao trong năm tới.

Trong năm 2023, 2 sự kiện lớn dự báo sẽ tác động tiêu cực lên giá dầu thô từ phía nhu cầu bao gồm chính sách Zero-Covid của Trung Quốc và FED tăng lãi suất. Trung Quốc hiện là nước tiêu thụ dầu thô lớn thứ hai, chiếm khoảng 1% tổng nhu cầu của thế giới. Bất kỳ lệnh phong tỏa mới nào của Trung Quốc sẽ đe dọa hy vọng mở cửa dần nền kinh tế và sự phục hồi nhu cầu năng lượng.

Chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái, làm giảm nhu cầu tiêu thụ dầu thô. Bên cạnh đó, USD mạnh lên cũng tác động tiêu cực đến giá cả hàng hóa, bao gồm giá dầu.

Về phía nguồn cung được dự báo có các sự kiện biến động trái chiều đến giá dầu. EIA dự báo sản lượng khai thác dầu khí của Mỹ sẽ đạt mức kỷ lục vào tháng 11, nhưng có những dấu hiệu cho thấy lạm phát có thể hạn chế sự tăng trưởng trong tương lai, điều này sẽ làm tăng nguồn cung dầu thô. Điều này sẽ khiến giá dầu có xu hướng giảm.

Ở chiều ngược lại, lệnh cấm vận của EU đối với Nga có hiệu lực vào cuối năm nay sẽ khiến sản lượng dầu thô của Nga giảm hơn 1 triệu thùng/ngày trong năm 2023. Ngoài ra việc OPEC+ thông báo cắt giảm sản lượng lớn 2 triệu thùng/ngày trong tháng 10 cho thấy tổ chức này sẽ theo dõi sát sao biến động của thị trường và luôn sẵn sàng can thiệp để hỗ trợ giá dầu.

Ninh An