Cụ thể, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 1,5 USD, tương đương 2%, xuống còn 74,68 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI của Mỹ giảm 1,14 USD, tương đương 1,5%, xuống còn 72,91 USD/thùng.
Mức sụt giảm này đã đẩy cả hai hợp đồng dầu giao kỳ hạn ra khỏi vùng quá mua. Đây cũng là mức giá đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 18/6. Trước đó, giá của cả hai loại dầu đều đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2018.
“Dự báo nhu cầu dầu sẽ phục hồi vào mùa hè có thể hơi quá và các nhà giao dịch đang đối mặt với thực tế biến thể Delta của Covid-19 đã xuất hiện ở châu Âu và sự lây nhiễm gia tăng ở Đông Nam Á, Autralia khiến cho nhiều nước trở lại tình trạng phong toả”, Louise Dickson, nhà phân tích thị trường dầu mỏ tại Rystad Energy cho biết.
Indonesia hiện đang đối mặt với số ca nhiễm cao kỷ lục, trong khi Malaysia kéo dài thời gian phong toả, còn Thái Lan công bố thêm các biện pháp hạn chế mới.
Hôm 27/6, Australia cũng ghi nhận số ca nhiễm tăng khiến một số thành phố phải phong toả.
Tuần này, mọi chú ý đang tập trung vào cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) diễn ra vào ngày 1/7.
OPEC+ đã gia tăng nguồn cung lên thêm 2,1 triệu thùng/ngày từ tháng 5 đến tháng 7 sau khi cắt giảm nguồn cung trong thời gian qua do đại dịch. Cuộc họp lần này có thể OPEC+ sẽ quyết định nâng thêm sản lượng vào tháng 8 sau khi giá dầu tăng tuần thứ 5 liên tiếp.
Theo dự báo của OPEC, nguồn cung dầu sẽ giảm từ tháng 8 đến cuối năm khi các nền kinh tế phục hồi từ đại dịch. Do đó, có khả năng OPEC+ sẽ quyết định tăng sản lượng trong cuộc họp này.
Các nhà phân tích tại ngân hàng ANZ và ngân hàng ING của Hà Lan kỳ vọng OPEC+ sẽ tăng sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày trong tháng 8.
Sản lượng dầu của Nga giảm trong tháng 6 so với mức trung bình tháng 5, bất chấp giá dầu tăng và OPEC nới lỏng hạn chế sản lượng.
Nhật Linh
Theo Reuters