Chốt phiên giao dịch 2/2, giá dầu Brent tương lai giảm 1,37 USD, tương đương 1,7%, xuống 77,33 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 1,54 USD, hay 2%, xuống 72,28 USD/thùng. Diễn biến trên kéo mức giảm trong cả tuần của cả hai chỉ số giá dầu lên gần 7%.
Giá dầu liên tục suy yếu thời gian gần đây |
Môi trường lãi suất cao, vốn có tác động tiêu cực tới tăng trưởng và nhu cầu dầu mỏ, tại các nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu được dự báo sẽ tiếp tục được duy trì trong ngắn hạn.
Kết quả báo cáo việc làm mới nhất của Mỹ cho thấy nước này ghi nhận số lượng việc làm mới vượt xa kỳ vọng trong tháng đầu tiên của năm mới, qua đó kéo giảm khả năng Cục Dự trữ liên bang (Fed) sớm hạ lãi suất điều hành. Và kết quả là đồng USD tăng giá so với các đồng tiền chủ chốt khác.
“Trước khi báo cáo được công bố, giá dầu diễn biến tương đối ổn định. Tuy nhiên, với số lượng việc làm quá lớn được tạo ra, lộ trình cắt giảm lãi suất vì thế cũng hẹp lại, kéo giá dầu giảm sâu”, Matt Smith, Chuyên gia phân tích tại Kpler, chia sẻ.
Không chỉ có Fed, các quan chức hàng đầu tại Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng bày tỏ quan điểm còn quá sớm để hạ lãi suất điều hành, hiện đang neo trên đỉnh lịch sử.
Quan ngại đối với kinh tế Trung Quốc vẫn còn đó. Trong báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF, nền kinh tế số hai thế giới được dự báo chỉ tăng trưởng 4,6% trong năm 2024 trước khi chậm lại trong trung hạn xuống còn 3,5% vào năm 2028.
Nhà đầu tư hiện đang chờ đợi kết quả đề xuất ngừng bắn từ phía Israel. Một lệnh ngừng bắn sẽ góp phần xoa dịu căng thẳng tại khu vực vùng Vịnh và Biển Đổ, vốn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động khai thác và vận chuyển dầu toàn cầu.
Đại Phú