Các nhà phân tích cho rằng, giá cước vận tải sẽ còn neo ở mức cao, ít nhất là trong nửa cuối năm nay hoặc hơn (Ảnh: Getty). |
Giá cước vận tải hàng khô đã vọt tăng trong năm nay khi nền kinh tế toàn cầu hồi phục sau đại dịch kéo theo nhu cầu hàng hoá tăng lên. Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng, ngành công nghiệp này vẫn chưa đạt đến thời kỳ tăng trưởng mạnh trước đây.
“Đây có phải là một siêu chu kỳ không? Tôi cho rằng là chưa nhưng nó có tiềm năng sẽ trở thành một siêu chu kỳ”, ông Mark Williams - Giám đốc điều hành của Công ty tư vấn vận tải Shipping Strategy - cho biết.
Siêu chu kỳ là một khoảng thời gian dài, thị trường chứng kiến giá hàng hoá liên tục tăng cao do nhu cầu mạnh và nguồn cung thấp.
Theo ông, mức giá đối với các tàu cỡ lớn như tàu chở hàng khô, nguyên liệu thô như ngũ cốc, quặng sắt, than… hiện đang dao động ở mức như giữa năm 2019. Theo Reuters, thu nhập trung bình mỗi ngày của các con tàu này là 31.880 USD, tăng hơn 10 lần so với con số khoảng 3.000 USD hồi tháng 2/2020.
Chỉ số thuê tàu hàng khô Baltic (BDI) chuyên theo dõi giá tàu chở hàng khô, đã tăng 74% kể từ đầu năm nay đến ngày 3/7.
Đánh giá về sự tăng giá này, tại Diễn đàn của các chủ tàu TradeWinds Forum Singapore 2021 diễn ra vào đầu tháng này, ông Mark Williams cho rằng, cước vận chuyển đang tăng rất tốt nhưng chưa thực cao.
Đồng quan điểm, ông Rashpal Bhatti - Phó Chủ tịch hàng hải và chuỗi cung ứng tại Công ty khai thác BHP cho rằng, mức giá này tuy cao trong nhiều năm nhưng vẫn chưa đạt đến đỉnh chu kỳ tăng như trước đây.
Các nhà phân tích cho rằng, giá cước vận tải sẽ còn neo ở mức cao, ít nhất là trong nửa cuối năm nay hoặc hơn.
Bởi có nhiều yếu tố hỗ trợ giá cước vận tải tăng, bao gồm sự bùng nổ về nhu cầu hàng hoá thúc đẩy nhu cầu vận tải và kinh tế phục hồi khi nhiều khu vực kiểm soát được đại dịch.
Ông James Marshall - CEO kiêm sáng lập của công ty vận tải biển Berge Bulk - hy vọng nguồn cung quặng sắt từ Brazil tăng lên cùng với nhu cầu than của Trung Quốc mạnh hơn trong nửa cuối năm sẽ tác động tích cực đến giá cước.
Mặt khác, tình trạng kém hiệu quả và tắc nghẽn tại nhiều cảng cũng có thể góp phần làm tăng chi phí vận chuyển, ông cho biết thêm.
Nhật Linh
Theo CNBC