Phần lớn các doanh nghiệp trong ngành vận tải biển bội thu trong những tháng gần đây (Ảnh: Freepik).
Thu nhập của hầu hết từ những con tàu container khổng lồ cho đến những chiếc tàu chở hàng rời hay những chiếc tàu chuyên dụng đều tăng mạnh.
Với việc các đội tàu đảm nhận vận chuyển khoảng 80% thương mại thế giới, giá cước tăng đã tác động đến mọi ngóc ngách của nền kinh tế.
Sự bùng nổ của ngành vận tải biển năm 2008 kéo theo làn sóng đặt mua những con tàu mới đã nhanh chóng sụp đổ vì nhu cầu lao dốc khi khủng hoảng tài chính toàn cầu gây ra cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Sự bùng nổ giá cước vận tải biển hiện nay đến từ 2 nguyên nhân. Một là việc mở cửa trở lại nền kinh tế sau đại dịch khiến nhu cầu hàng hóa và nguyên liệu thô tăng vọt. Hai là dịch Covid-19 tiếp tục làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, gây tắc nghẽn các cảng và làm lịch trình của các con tàu chậm hơn.
Tất cả điều này đang làm hạn chế lượng tàu sẵn sàng vận chuyển hàng hóa trên biển. Nhờ đó, phần lớn các doanh nghiệp trong ngành vận tải biển kiếm đậm trong những tháng gần đây.
Theo dữ liệu của Clarkson Research Services Ltd. - bộ phận nghiên cứu của công ty môi giới tàu biển lớn nhất thế giới - ngành vận tải biển đang ghi nhận mức thu nhập hàng ngày cao nhất kể từ năm 2008, ngoại trừ những tàu chở dầu và khí đốt.
Trong đó, phân khúc vận tải container hưởng lợi lớn nhất khi giá vận chuyển container tăng cao kỷ lục. Hiện chi phí để vận chuyển một container 40 feet từ Trung Quốc tới châu Âu đã tăng 500% so với một năm trước đó lên 14.287 USD. Điều này khiến chi phí vận chuyển mọi thứ từ đồ chơi đến xe đạp, cà phê đều tăng lên.
Cước phí tăng khiến nhiều hãng tàu ghi nhận lợi nhuận tăng vọt. Tháng trước, hãng tàu container lớn nhất thế giới A.P. Moller-Maersk A/S đã ước tính lợi nhuận năm nay sẽ tăng gần 5 tỷ USD so với năm ngoái.
Trong khi đó, CMA CGM SA - hãng vận tải lớn thứ 3 thế giới - thông báo không tăng giá cước giao ngay để san sẻ khó khăn với các khách hàng lâu năm. Nói cách khác, hãng đang không cần phải tăng cước vẫn bội thu, cho thấy khả năng sinh lợi của ngành này lớn đến mức nào.
Nhu cầu nguyên liệu thô tăng cao khi nền kinh tế toàn cầu hồi phục cũng thúc đẩy doanh thu của các tàu rời chở hàng công nghiệp. Thu nhập của các hãng tàu rời gần đây đã đạt mức cao nhất trong 11 năm và dự kiến sẽ tiếp tục ổn định từ nay đến cuối năm.
Ông Ted Petrone, Phó Chủ tịch Navios Maritime Holdings - hãng sở hữu các đội tàu rời - cho rằng: "Nhu cầu mạnh mẽ đối với các tài nguyên khoáng sản cộng với hoạt động logistics bị gián đoạn do đại dịch đang hỗ trợ giá cước giao ngay và giao sau".
Thậm chí, một số hãng tàu rời còn có ý định chuyển sang vận chuyển container để gia tăng lợi nhuận. Hãng Golden Ocean Group là một trong những công ty đang xem xét ý tưởng này. Tuy nhiên, hãng này cho rằng, mặc dù việc này có thể giúp gia tăng lợi nhuận nhưng vẫn có nhiều rủi ro bởi các tàu rời không được thiết kế để chở container.
Trong khi phân khúc vận tải container và hàng rời thu bộn tiền nhờ giá cước tăng cao thì với các tàu chở dầu lại thua lỗ trong phần lớn của năm 2021. Các chủ tàu đang phải trợ cấp cho hoạt động vận chuyển dầu thô.
Việc Liên minh OPEC + vẫn giữ nguồn cung nhỏ giọt, lượng dầu chảy ra thị trường quá ít trong khi tàu chở dầu lại quá nhiều khiến cho giá cước vận chuyển đi xuống. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích của Pareto Securities, với việc tồn kho dầu giảm, giá cước vận chuyển dầu sẽ sớm hồi phục.
Không chỉ lĩnh vực vận tải biển, vận tải ô tô cũng bộn thu khi chi phí thuê tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008. Trong khi đó, giá cước tàu chở hàng tổng hợp với các thiết bị hạng nặng cũng đang tăng mạnh.
"Giá cước vận chuyển container lẫn giá cước vận chuyển hàng khô đang tăng điên loạn. Các nền tảng hỗ trợ giá cước duy trì mức đỉnh vẫn đang rất mạnh mẽ", Alexandra Alatari, nhà phân tích ở Công ty môi giới Arrow Shipbroking Group, nhận định.
Nhật Linh
Theo Bloomberg