Cụ thể, OECD đã điều chỉnh dự báo GDP toàn cầu cho giai đoạn 2020-2021 từ 3,5% xuống khoảng 3%. Nếu xảy ra, đây sẽ là mức thấp nhất kể từ giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Triển vọng của các quốc gia trong ngắn hạn sẽ phụ thuộc nhiều vào mức độ đóng góp của hoạt động thương mại trong nền kinh tế của mỗi quốc gia.
Theo OECD, tăng trưởng GDP tại Mỹ dự kiến sẽ chậm lại, ở mức 2% năm 2021. Tại báo cáo vừa mới phát hành, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, mức tăng trưởng này có thể còn xuống thấp hơn cả dự báo của OECD.
Nhật Bản và khu vực Châu Âu được kỳ vọng sẽ lần lượt tăng khoảng 0,7% và 1,2%. Trung Quốc sẽ tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng với tốc độ tăng khoảng 5,6% giai đoạn 2020-2021. Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 ước tính ở mức 6,7% yoy, giảm nhẹ so với mức dự kiến 6.8% năm 2019.
Một trong những nguyên nhân chính khiến kinh tế toàn cầu chững lại là do tăng trưởng thương mại đang rất yếu. Điểm sáng là hoạt động thương mại dịch vụ được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng 6-8%/năm trong vòng vài năm tới, dẫn dắt bởi nhu cầu nhập khẩu mạnh mẽ từ thị trường Châu Á.
Theo hình 2, chỉ số bất ổn chính sách kinh tế (index of economic policy uncertainty) dựa trên tần suất xuất hiện của những cụm từ thể hiện sự bất ổn trong các báo cáo được nhắc đến liên tục thời gian gần đây, đạt đỉnh 341 vào tháng 12/2018, trùng thời điểm Chính phủ Mỹ đóng cửa và tiến hành đàm phán thương mại với Trung Quốc.
Sự bất ổn về kinh tế có thể ngăn cản việc đầu tư, tác động tiêu cực đến hoạt động thương mại khi hàng hóa vốn có xu hướng nhập khẩu từ nhiều nước để tạo thành sản phẩm cuối cao. Trái lại, giảm tình hình căng thẳng thương mại được kỳ vọng sẽ kích thích cả hoạt động thương mại và đầu tư.
Tuy nhiên, mối quan ngại lớn nhất hiện nay là những thay đổi về cấu trúc kinh tế không được giải quyết sẽ tiếp tục gây áp lực lên triển vọng tăng trưởng. Một trong số đó là vấn đề biến đổi khí hậu và số hóa.
Ngoài ra, trong trật tự đa phương của thập niên 1990, hoạt động thương mại và vấn đề địa chính trị vốn không phải là điều các quốc gia cần quan tâm.
"Những thách thức này không phải chỉ mang tính tạm thời, theo chu kỳ và có thể được giải quyết giản đơn bằng các chính sách tài khóa hay tiền tệ. Chúng đều mang tính cấu trúc do đó các chính sách rõ ràng cần được thực hiện và phối hợp lẫn nhau để duy trì tăng trưởng bền vững" - báo cáo của VDSC lưu ý.
Mai Chi