Fica
  1. Quốc tế

G7 chia sẻ 1 tỷ liều vắc xin, WHO nói chưa đủ để thế giới thoát đại dịch

Bài lấy lại
Bài lấy lại

G7 tuyên bố chia sẻ 1 tỷ liều vắc xin Covid-19 cho các nước đang phát triển để giúp thế giới vượt qua đại dịch Covid-19, nhưng WHO và IMF đều cho rằng con số này quá ít để đẩy lùi đại dịch.

G7 chia sẻ 1 tỷ liều vắc xin, WHO nói chưa đủ để thế giới thoát đại dịch - 1

Lãnh đạo các nước G7 cam kết chia sẻ với các nước đang phát triển 1 tỷ liều vắc xin nhằm chấm dứt đại dịch Covid-19 vào năm sau (Ảnh: Reuters).

Kết thúc hội nghị thượng đỉnh G7 ngày 13/6, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, các nước G7 nhất trí sẽ chia sẻ 1 tỷ liều vắc xin cho các nước đang phát triển thông qua chương trình COVAX của Liên Hợp Quốc và cả cơ chế hỗ trợ trực tiếp các nước.

Thông cáo chung của lãnh đạo G7 cho biết, G7 cam kết "chấm dứt đại dịch và chuẩn bị cho tương lai thông qua việc tăng cường nỗ lực quốc tế ngay lập tức nhằm thực hiện chương trình tiêm chủng toàn cầu với các vắc xin an toàn cho càng nhiều càng tốt, càng nhanh càng tốt". "Chúng tôi sẽ phối hợp với khu vực tư nhân, G20 và các nước khác để tăng nguồn đóng góp này trong các tháng tới", thông cáo nêu rõ.

Mục tiêu của G7 là có thể giúp thế giới đẩy lùi đại dịch vào năm tới. Ngoài ra, nhóm cũng cam kết thiết lập các hệ thống nhằm ngăn chặn và đối phó các đại dịch trong tương lai.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo rằng, số vắc xin này quá ít để có thể đưa thế giới vượt qua đại dịch. Theo ông Tedros, để chấm dứt đại dịch cần đạt được mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 70% dân số thế giới vào năm tới. "Để làm được điều đó, chúng ta cần 11 tỷ liều vắc xin".

Mục tiêu mà ông Tedros đưa ra là 30% dân số các nước được tiêm chủng trước cuối năm 2021, điều này đòi hỏi phải có thêm 100 triệu liều vào tháng 6 và tháng 7, và 250 triệu liều vào tháng 9.

Người đứng đầu WHO nhấn mạnh, các nước cần tạm thời xóa bỏ bản quyền sản xuất vắc xin Covid-19 để tăng nguồn cung vắc xin cho thế giới - một sáng kiến nhận được sự ủng hộ của Mỹ nhưng vấp phải sự phản đối của nhiều nước châu Âu. Việc bỏ bản quyền vắc xin là một trong những vấn đề gây tranh cãi, một số nước phản đối cách làm này do lo ngại công ty sản xuất vắc xin sẽ chịu thiệt hại.

Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nói, cam kết chia sẻ vắc xin của G7 là một khởi đầu tích cực, nhưng thế giới cần làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ các nước tiêm chủng toàn dân.

Các chuyên gia kinh tế của IMF gần đây ước tính, chi phí để tiêm chủng cho khoảng 60% dân số thế giới vào giữa năm sau là khoảng 50 tỷ USD. Đổi lại, nếu đạt được mục tiêu đó, kinh tế thế giới có thể tạo ra 9.000 tỷ USD đến năm 2025. Do vậy, việc các nước giàu có giúp tăng nguồn cung vắc xin toàn cầu sẽ là một khoản đầu tư có lợi vào con người.

Minh Phương
Theo Reuters, Euronews