Fica
  1. Quốc tế

Fed sẽ đưa ra chính sách mới gì khi việc kiểm soát dịch bệnh tại Mỹ vẫn còn bỏ ngỏ?

Vũ Lan Hương
Vũ Lan Hương

Tròn ba tháng đối phó với đại dịch toàn cầu, các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thống nhất rằng tiến bộ lâu dài trên mặt trận kinh tế sẽ được quyết định bởi thành công trong việc kiểm soát dịch.

 

 

Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tại Washington. Ảnh: REUTERS/Kevin Lamarque.

Tuy nhiên, sự đồng thuận của Fed ngoài vấn đề này lại khá khó đoán khi các nhà hoạch định chính sách nhóm họp vào tuần này nhằm đánh giá liệu nền kinh tế Mỹ đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng tồi tệ nhất cũng như liệu đại dịch đã được kiểm soát hay chưa.

Mức tăng bất ngờ với hơn 2,5 triệu việc làm trong thị trường lao động Mỹ vào tháng trước sẽ được các quan chức Fed đem ra tranh luận, rằng có dấu hiệu cho thấy sự gia tăng về việc làm cũng như sự phục hồi của các hoạt động kinh tế sẽ dẫn đến làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai hay không .

Kết luận cuối cùng của Fed có thể định hình các quyết định chính sách của cơ quan này, mà cụ thể là việc có nên mở rộng hay công bố các chương trình cứu trợ khẩn cấp mới trong trường hợp suy thoái kinh tế kéo dài hoặc làm thế nào hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tốt nhất nếu đại dịch lắng dịu.

Ngân hàng trung ương Mỹ đang phải đắn đo ở cả hai khía cạnh trên. Một mặt, Fed phải cân nhắc đưa ra các cam kết lâu dài về việc giữ lãi suất ở mức thấp như hiện nay để tạo bàn đạp cho nền kinh tế phục hồi trở lại. Mặt khác, Fed còn phải tiếp tục triển khai những chương trình nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp quy mô vừa chưa được hưởng bất kì chương trình cứu trợ khẩn cấp nào kể từ khi đại dịch bùng phát.

Bản báo cáo việc làm tháng 5 tốt vượt mong đợi mà Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 5/6 có thể làm dịu bớt tính cấp bách đã đeo bám Fed kể từ cuộc họp chính sách hồi tháng 3.

Sau khi hạ lãi suất xuống gần bằng 0 và triển khai một loạt các chương trình tín dụng trong cuộc họp khẩn cấp vào tháng 3, Fed đã không công bố bất kỳ quyết định chính sách lớn nào. Lần này, giới quan sát dự đoán Fed nhiều khả năng vẫn giữ nguyên lập trường như vậy sau khi Ủy ban Thị trường mở Liên bang kết thúc cuộc họp 2 ngày vào ngày 10/6.

Fed dự kiến sẽ đưa ra tuyên bố chính sách chính thức vào lúc 2 giờ chiều ngày 10/6 và Chủ tịch Jerome Powell sẽ tổ chức một cuộc họp báo ngắn ngay sau đó.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải công bố dự báo kinh tế mới lần đầu tiên kể từ tháng 12 năm ngoái, thời điểm ngay trước khi đà tăng trưởng kéo dài một thập kỷ của Mỹ bị dập tắt bởi làn sóng thất nghiệp tràn lan vì lệnh phong tỏa.

Hồi tháng 3, các quan chức Ngân hàng trung ương Mỹ đã phải hoãn đưa ra dự báo kinh tế vì "sương mù" lúc đó bao quanh nền kinh tế lớn nhất thế giới nhiều đến mức họ cảm thấy thật vô nghĩa khi phải dự đoán tỉ lệ thất nghiệp, lạm phát và tăng trưởng.

Ba tháng sau đó, dữ liệu mới đã có thể giúp Fed xác định phạm vi của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại. Tỉ lệ thất nghiệp đã giảm trong tháng 5 nhưng vẫn duy trì ở mức 13,3% - tương đương tỉ lệ thất nghiệp trong cuộc Đại Khủng hoảng diễn ra vào những năm 1930.

Mặc dù kịch bản tồi tệ nhất của thị trường việc làm dường như đã qua, nhà kinh tế Bob Schwartz của Oxford Economics hôm 5/6 lại cảnh báo rằng "chuyển biến đáng chú ý của thị trường việc làm trong tháng 5 chỉ cho thấy phần dễ dàng trong quá trình chữa lành nền kinh tế".

Hơn nữa, dấu chấm hỏi về quá trình kiểm soát đại dịch, khiến 110.000 người Mỹ thiệt mạng, mới là cái đáng lo ngại nhất. Số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 tại Mỹ thời gian qua đã giảm dần nhưng gần đây lại đang tăng trở lại. Trong khi đó, việc nới lỏng các hạn chế đối với hoạt động kinh doanh và tụ tập đông người làm dấy lên mối lo ngại về làn sóng lây nhiễm mới. Đặc biệt vào cuối tháng trước khi người Mỹ đổ xô đến hồ nước và các bãi biển để kỷ niệm Lễ Chiến sĩ trận vong.

Chủ tịch Fed tại St. Louis James Bullard cho rằng rủi ro xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ hai là rất thấp nhờ phản ứng nhanh chóng của các cơ quan y tế. Trong khi đó, Chủ tịch Fed khu vực Atlanta Raphael Bostic đặc biệt chú ý đến các cuộc tụ tập của người dân cũng như lo ngại làn sóng lây nhiễm mới có thể sẽ bùng lên và khiến đất nước phải phong tỏa thêm lần nữa. "Nếu khả năng đó xảy ra, tôi nghĩ người ta sẽ lo lắng nhiều về khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ", ông chia sẻ.

Ngoài ra, phong trào biểu tình đòi công lý cho cái chết của người đàn ông da màu George Floyd đã kéo dài đến ngày thứ 13 liên tiếp, gây ra nhiều bất an hơn cho công chúng ở các thành phố lớn, bao gồm cả một số thành phố có vẻ đã kiểm soát Covid-19 thành công.

Đối với Fed, làm thế nào để đánh giá khách quan mọi vấn đề đang trở thành một bài toán cân não khi mà các nhà hoạch định chính sách nghiên cứu cùng một bộ thông tin nhưng cho ra nhiều quan điểm khác nhau.

Dữ liệu quan trọng cần thời gian để lật mở

Các dự báo kinh tế công bố vào ngày 10/6 sẽ đem đến cái nhìn sâu sắc, cho thấy các quan chức Fed đang nhìn nhận quỹ đạo của đại dịch như thế nào và liệu họ có nghĩ nền kinh tế Mỹ đã chạm đáy hay chưa.

Fed không cố gắng thiết lập bất kỳ hệ thống theo dõi hay tái tạo dữ liệu y tế nào, ngược lại họ thu thập dữ liệu sâu rộng từ các nguồn tin có sẵn, tham khảo ý kiến chuyên gia bên ngoài và nghiên cứu lượng lớn kiến thức chuyên môn.

"Bản thân chúng tôi không phải các chuyên gia dịch tễ, chúng tôi cũng chẳng biết gì về quá trình lây lan của đại dịch hay bất cứ gì đại loại thế", Chủ tịch Powell phát biểu tại một sự kiện trực tuyến vào cuối tháng 5.

"Fed phải trao đổi với các chuyên gia và phản hồi chính mà chúng tôi nhận được thì cực kì bất định", ông Powell nói thêm.

Ngay cả các chuyên gia cũng phải chật vật theo dõi đại dịch khi khả năng xét nghiệm không đủ hiệu quả để mô tả toàn diện diễn biến cuộc khủng hoảng y tế. Ông Jeffrey Harris, một bác sĩ kiêm giáo sư kinh tế tại Viện Công nghệ Massachusetts, cho hay: "Chúng ta sẽ gặp phải một số vấn đề khi cố gắng xác định liệu nỗ lực vực dậy hoạt động kinh tế và xã hội của các tiểu bang đang thành công hay thất bại". Ông so sánh việc này giống như việc cố gắng hạ cánh một chiếc máy bay nhưng không biết độ cao và vận tốc của nó.

Tốc độ nới lỏng lệnh phong tỏa không phải do Fed quyết định và các nhà hoạch định chính sách nói rằng sức mạnh của quá trình phục hồi kinh tế sẽ phụ thuộc vào việc người dân có cảm thấy an toàn khi đi mua sắm hay đi làm hay không.

Làn sóng lây nhiễm thứ hai có thể phá hủy quá trình đó, Reuters nhấn mạnh. Fed không rõ khả năng này có xảy ra hay không, nhưng ông Powell hồi cuối tháng trước khẳng định Fed sẽ đưa ra chính sách phù hợp nếu cần.

"Rõ ràng có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 lần hai và điều đó sẽ đem đến khá nhiều thách thức”, ông Powell nói. “Chúng tôi chắc chắn sẽ tiếp tục ứng phó sao cho phù hợp. Fed không bị hạn chế bất kỳ điều gì.”

Hương Vũ

Theo Reuters