Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nằm trên Đại lộ Constitution, Washington. Ảnh: Brendan McDermid.
Người đứng đầu của 3 Ngân hàng Dự trữ Liên bang đã đưa ra bình luận vào hôm thứ Sáu rằng những nỗ lực mạnh mẽ được thực hiện để giúp duy trì hoạt động của các công ty chỉ là bước khởi đầu của cả một quá trình đưa nền kinh tế trở lại bình thường. Cùng với đó, việc đào tạo lại nhân công, trang bị lại mạng lưới an toàn xã hội và những bước đi cần thiết khác sẽ được triển khai khi cuộc khủng hoảng sức khỏe dịu bớt.
Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Richmond, ông Thomas Barkin, cho rằng sau khủng hoảng “chúng ta cần phải làm việc với tốc độ phục hồi của nền kinh tế”. Ông nhấn mạnh các công ty có thể hoạt động ít hiệu quả hơn do lệnh giãn cách xã hội, đầu tư kinh doanh có thể bị cản trở bởi sự xói mòn lòng tin và nhiều công nhân sẽ rút khỏi thị trường lao động để lo cho gia đình khi các cơ sở chăm sóc ban ngày và nhà dưỡng lão không còn an toàn nữa.
Ông Barkin cũng cho biết thêm, trong bối cảnh chắp vá của thế giới, một số quốc gia đã mở cửa trở lại nền kinh tế, số khác vẫn duy trì các lệnh hạn chế, trong khi các công ty và nhân viên của họ đang vật lộn để tìm lại sự cân bằng. “Các hoạt động sẽ dần trở lại bình thường nhưng tôi lo lắng về việc nền kinh tế sẽ như thế nào sau đại dịch.”
Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ St. Louis, James Bullard và Ngân hàng Dự trữ Dallas, Robert Kaplan cũng bày tỏ mối lo ngại tương tự về một hướng đi chậm chạp và phức tạp sắp tới.
Trong một cuộc phỏng vấn trên Fox Business Network, ông Kaplan cho biết tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng đột biến lên mức 20% trong những tháng tới và duy trì ở mức cao cho đến cuối năm nay hoặc lâu hơn. “Tỷ lệ thất nghiệp cuối năm nay có thể ở mức 8-10%. Cần có sự kích thích trong những tháng còn lại và cả năm sau để tăng trưởng nhanh hơn, từ đó giảm tỷ lệ thất nghiệp này.”
Điều đó trái ngược với những hy vọng ban đầu về một nền kinh tế phục hồi nhanh chóng và mang tính lịch sử khi có sự suy giảm trong vài tuần gần đây.
Nguy cơ khủng hoảng
Trong tuần này, Fed một lần nữa đưa ra cam kết về việc giữ lãi suất ở mức thấp và tiếp tục cung cấp gói hỗ trợ tín dụng hàng nghìn tỷ USD cho nền kinh tế nếu cần thiết để duy trì sự ổn định trong cuộc chiến chống lại đại dịch đã giết chết hơn 62.000 người trên khắp nước Mỹ.
Nhưng đó có thể chỉ là khởi đầu của một cuộc đấu tranh đòi hỏi phải có các lựa chọn chính sách then chốt về việc mở cửa trở lại cái gì và như thế nào, những biện pháp bảo vệ sức khỏe nào là cần thiết để ngăn chặn virus và cách để bù đắp những vết thương tài chính.
Trong một cuộc phỏng vấn trên tờ Nhật báo Phố Wall, ông Bullard cho biết ông lo lắng về viễn cảnh của một cuộc suy thoái nếu đóng cửa nền kinh tế quá lâu và không có sự xử lý tốt khi mở cửa trở lại. Nhiều vấn đề sẽ từ đó mà phát sinh, sẽ có nhiều vụ phá sản và thất bại kinh doanh hơn.
Hương Vũ
Theo Reuters