Nội dung biên bản cuộc họp đầu tiên trong năm mới 2024 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho thấy phần lớn các quan chức của cơ quan này vẫn tỏ ra lo ngại về rủi ro cắt giảm lãi suất quá sớm.
Theo đó, họ cần thêm nhiều hơn bằng chứng cho thấy lạm phát đang suy yếu một cách bền vững về ngưỡng mục tiêu 2% trước khi đưa ra quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ. Điều đó đồng nghĩa với viễn cảnh lãi suất điều hành sẽ tiếp tục neo cao trong thời gian tới.
Quan điểm này được thể hiện rõ qua quyết định tiếp tục giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang ở ngưỡng 5,25-5,5%.
“Phần lớn các thành viên tham gia nhận thức được rủi ro của việc nới lỏng quan điểm chính sách tiền tệ quá nhanh đồng thời nêu bật tầm quan trọng trong việc đánh giá kỹ lưỡng các dữ liệu trong thời gian tới nhằm có cái nhìn rõ ràng hơn về xu hướng của lạm phát”, theo nội dung biên bản.
Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ Jerome Powell |
Tuy nhiên, vẫn có một số thành viên đề cập tới rủi ro đối với nền kinh tế khi lãi suất tiếp tục neo cao. Điều này làm gia tăng tính chất bật định về thời gian Fed duy trì lãi suất ở vùng hạn chế cũng như thời điểm cơ quan này bắt đầu nới lỏng.
“Biên bản cuộc họp cho thấy sự lưỡng lự trước quyết định cắt giảm lãi suất trước rủi ro lạm phát gia tăng trở lại, buộc họ phải làm chậm lại quá trình này hoặc thậm chí nâng lãi suất trở lại”, Derek Tang, Chuyên gia kinh tế tới từ LH Meyer/Monetary Policy Analytics, nhận định.
Ngoài quyết định về lãi suất, một số quan chức ủng hộ quan điểm làm chậm lại quá trình cắt giảm bảng cân đối kế toán, qua đó nới lỏng áp lực thanh khoản. Nhiều thành viên tham gia đề xuất Fed cần bàn thảo kỹ về vấn đề này trong kỳ họp tháng 3 tới.
Tuy nhiên, phương án dừng quá trình này không hề được đề cập. Một số thành viên cho biết quá trình thắt chặt định lượng có thể tiếp tục được duy trì ngay cả khi Fed đã tiến hành cắt giảm lãi suất.
Đại Phú