Fica
  1. Quốc tế

Fed có thể không giảm lãi suất năm nay

Đại Phú
Đại Phú

Các dữ liệu kinh tế chưa "hợp tác" với nỗ lực của Fed.

Nhà đầu tư có thể sẽ “vã mồ hôi” trong mùa hè năm nay nhưng không vì nắng nóng mà vì kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất đang ngày càng “khô hạn”. 

Một loạt dữ liệu kinh tế mạnh hơn dự báo, đi cùng với đó là phát biểu của một số quan chức Ngân hàng trung ương Mỹ cho thấy viễn cảnh chính sách tiền tệ được nới lỏng sẽ không sớm xảy ra. Điều đó được thể hiện rõ ràng qua sự sụt giảm xác suất Cục Dự trữ liên bang (Fed) hạ lãi suất vào tháng 9 tới đồng thời là sự trỗi dậy của dự báo cơ quan này sẽ chỉ một lần giảm lãi suất vào thời điểm cuối năm. 

Phản ứng của thị trường chắc chắn là sự không hài lòng, được thể hiện qua một phiên giảm mạnh trên thị trường chứng khoán trong ngày 23/5. Chính điều này đã khiến chỉ số Dow Jones “gãy” chuỗi tăng lên tới 5 tuần liên tiếp. 

“Nền kinh tế không hạ nhiệt nhanh như những gì mà Fed kỳ vọng”, Quincy Krosby, Giám đốc chiến lược toàn cầu tại LPL Financial, chia sẻ. “Thị trường đón nhận từng dữ liệu kinh tế và cố gắng đoán định xem Fed sẽ làm gì khi chính cơ quan này khẳng định mỗi quyết định đưa ra sẽ phụ thuộc vào số liệu thực tế”, ông bổ sung. 

Trong vòng hơn một tuần qua, các dữ liệu kinh tế được công bố mang một tín hiệu rõ ràng: Tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ tương đối ổn định trong khi lạm phát vẫn còn đó, khiến người tiêu dùng và các nhà hoạch định chính sách tương đối quan ngại. 

Những dữ liệu đó bao gồm số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp khi chỉ một vài tuần trước vừa chạm ngưỡng cao nhất kể từ tháng 8/2023 nhưng sau đó lại thu hẹp lại, phản ánh thực tế nhu cầu sa thải người lao động không còn quá nghiêm trọng như trước. Bên cạnh đó là kết quả các khảo sát cho thấy lĩnh vực dịch vụ và sản xuất tại Mỹ mở rộng nhanh hơn so với dự báo trong khi kỳ vọng lạm phát neo cao. 

Fed sẽ không giảm lãi suất năm nay?

Chẳng có lý do để cắt giảm

Những dữ liệu mạnh nói trên được công bố chỉ một ngày sau khi Fed “tiết lộ” những gì đã xảy ra trong cuộc họp đầu tháng 5. Tại đó, các quan chức Ngân hàng trung ương Mỹ chưa cảm thấy tự tin để bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ. Thậm chí, một số thành viên Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) còn ủng hộ việc tiếp tục tăng lãi suất nếu như diễn biến lạm phát xấu đi. 

Christopher Waller, Thành viên Ủy ban điều hành Fed, cho biết ông cần nhìn thấy nhiều tháng lạm phát suy yếu hơn nữa trước khi ủng hộ phương án cắt giảm lãi suất. 

Tất cả những lý do trên, chẳng có lý do gì để Fed sớm bắt tay vào việc nới lỏng chính sách tiền tệ. 

“Những phát biểu gần đây của các quan chức cũng như biên bản cuộc họp của Fed góp phần đẩy quyết định cắt giảm lãi suất ra xa hơn”, Michael Gapen, Chuyên gia kinh tế tới từ Bank of America, nhận định. 

Các chuyên gia, trong đó có Gapen, đang chờ đợi một số báo cáo quan trong trong thời gian tới, trong đó bao gồm chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), dự kiến “hé lộ” vào ngày 31/5 tới. Hiện thị trường dự báo mức tăng vắt tháng của chỉ số trên rơi vào khoảng 0,2-0,3%. Thậm chí, dù đi ngang so với tháng trước, các quan chức Fed vẫn chưa đủ tự tin để cắt giảm lãi suất khi mức tăng vắt năm vẫn giao động quanh ngưỡng 3%, cao hơn mục tiêu 2% mà cơ quan này luôn hướng tới. 

“Nếu dự báo của chúng tôi chính xác, mức tăng vắt năm có thể chỉ giảm một vài điểm cơ bản xuống 2,75%. Đây là mức giảm không đáng kể”, Gapen chia sẻ. 

Và thị trường đồng tình một cách miễn cưỡng. 

Đầu năm nay, thị trường dự báo Fed có ít nhất 6 lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024. Hiện tại, có tới 60% xác suất cơ quan này chỉ thực hiện một lần cắt giảm năm nay, theo số liệu từ CME Group. Goldman Sachs đã phải lùi lại dự báo thời điểm Fed giảm lãi suất sang tháng 9 năm nay. 

“Quyết định cắt giảm lãi suất đang mất dần đi tính cấp thiết”, David Mericle, Chuyên gia Goldman Sachs, chia sẻ trong một báo cáo. “Trong khi nhiều quan chức tỏ ra tự tin về triển vọng của lạm phát, sẵn sàng cắt giảm tại thời điểm phù hợp thì một bộ phận vẫn tỏ ra ngần ngại”, ông cho biết. 

Đại Phú