Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) giữ nguyên lãi suất điều hành trên đỉnh lịch sử 4% trong cuộc họp ngày 11/4.
Tuy nhiên, cơ quan này phát tín hiệu về khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ ngay trong kỳ họp kế tiếp khi lạm phát đang ổn định trở lại. Thậm chí, đã xuất hiện một số thành viên kêu gọi cắt giảm lãi suất ngay lập tức.
ECB cho biết sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất nếu lạm phát chìm, các dự báo lạm phát và tác động của quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ trước đó cho thấy áp lực giá cả đang suy yếu một cách bền vững về ngưỡng mục tiêu.
Trên thực tế, lạm phát tại khu vực đồng tiền chung euro đã suy yếu đáng kể từ đỉnh 10,6% ghi nhận năm 2022 xuống chỉ còn 2,4% vào tháng 3 năm nay, tiệm cận mục tiêu 2% mà ECB đề ra.
ECB sẽ sớm nới lỏng chính sách tiền tệ? |
Trong cuộc họp báo sau đó, Chủ tịch ECB Christine Lagarde chia sẻ với các phóng viên rằng diễn biến của lạm phát được dự báo “khó lường” trong những tháng tới trước khi rơi về ngưỡng mục tiêu vào giữa năm 2025. Tuy nhiên, bà chỉ ra điểm tích cực khi tốc độ tăng trưởng tiền lương đang chậm lại. “Rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế vẫn còn nhưng đang trong xu hướng giảm”, bà bổ sung.
Khi được hỏi về tính đồng thuận trong quyết định giữ nguyên lãi suất, bà cho biết một số thành viên cảm thấy đã đủ tự tin và ủng hộ phương án cắt giảm. Nhưng quyết định giữ nguyên lãi suất nhận được sự đồng thuận của phần lớn các thành viên khi họ muốn chờ đợi tới tháng 6.
Kỳ vọng về triển vọng chính sách tiền tệ thời gian tới đã thay đổi ít nhiều sau khi Mỹ công bố số liệu lạm phát “nóng” hơn dự báo trong tháng 3. Tại nền kinh tế số một thế giới, nhà đầu tư hiện đánh giá Fed có thể sẽ bắt đầu giảm lãi suất trong tháng 9, chậm hơn 3 tháng so với cách đây một tuần. Điều này cũng khiến cho nhà đầu tư tại châu Âu phải đánh giá lại dự báo của mình.
Một số nhà hoạch định chính sách tại Eurozone và Anh muốn tránh việc cắt giảm lãi suất quyết liệt hơn so với Mỹ, một phần vì nỗi lo đồng tiền nội tệ suy yếu và rủi ro bùng phát lạm phát trở lại.
Tuy nhiên, bà Lagarde đã phủ nhận việc ECB chưa chuẩn bị cho phương án giảm lãi suất trước Fed. “Quyết định của chúng tôi phụ thuộc vào dữ liệu, không phải phụ thuộc vào Fed”, bà chia sẻ.
“Dù thông cáo phát đi sau đó không đề cập cụ thể mốc thời gian cắt giảm lãi suất, nhưng chúng tôi cho rằng đây sẽ là lần giữ nguyên lãi suất cuối cùng”, Carsten Brzeski, Giám đốc nghiên cứu kinh tế vĩ mô toàn cầu tại Ngân hàng ING, nhận định.
Đại Phú