Fica
  1. Quốc tế

ECB có thể cắt giảm lãi suất ngay trong kỳ họp tháng 6

Đại Phú
Đại Phú

Nếu đúng, đây sẽ là dấu chấm hết cho cho kỳ thắt chặt thần tốc trong lịch sử lục địa già.

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ thực hiện lần cắt giảm lãi suất đầu tiên kể từ tháng 9/2019 ngay trong cuộc họp tuần này. 

Nếu điều đó xảy ra, đó sẽ là dấu chấm hết cho chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ “thần tốc” trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19 trước đà tăng phi mã của lạm phát. Tuy nhiên, nhà đầu tư dường như chú ý nhiều hơn tới những gì sẽ xảy sau kỳ họp vào giữa tuần này. 

“Đánh giá những gì mà các quan chức ECB nói, khả năng cao họ sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất vào kỳ họp 6/6 tới. Câu hỏi đặt ra là điều gì sẽ xảy ra sau đó?”, Mark Wall, Quan sát viên ECB tại Deutsche Bank, chia sẻ. 

ECB khả năng cao sẽ hạ lãi suất

Lạm phát tại khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) trong tháng 5 cao hơn đôi chút so với kỳ vọng ở ngưỡng 2,6% trong khi lạm phát lõi (không bao gồm chi phí năng lượng và thực phẩm) neo ở 2,9%. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng tiền lương cũng tăng tốc lên 4,7% trong quý I/2024 sau khi chạm mốc 4,5% trong quý cuối cùng của năm 2023. 

Theo Holger Schmieding, Kinh tế trưởng tại Ngân hàng Berenberg, “dữ liệu thời gian qua bị ảnh hưởng bởi những yếu tố có tác động một lần. Ví dụ, một mùa đông ấm khiến cho hoạt động xây dựng ngoài trời trong quý I không bị gián đoạn, do đó, tiền công trả cho công nhân sẽ cao hơn bình thường tại một số quốc gia trong khối”. 

Tuy nhiên, các quan chức ECB liên tục lên tiếng phủ nhận khả năng tiếp tục giảm lãi suất trong kỳ họp tháng 7. 

“Chúng tôi nhận thấy một số yếu tố cấu thành lạm phát có xu hướng cố kết hơn dự báo, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ”, Isabel Schnabel, Thành viên Ủy ban điều hành ECB, chia sẻ trong một bài phỏng vấn hồi giữa tháng 5. 

“Tôi sẽ thận trọng trước phương án hành động một cách quá vội vã. Việc giảm lãi suất quá nhanh tồn tại rủi ro và chúng tôi sẽ tránh vấp phải sai lầm”, bà chia sẻ. 

Một thách thức khác đối với ECB chính là mối liên hệ với chiến lược chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Hiện, các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ đang nghiêng theo hướng neo lãi suất “cao hơn, lâu hơn”. Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng vì sự khác biệt chính sách quá lớn sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tỷ giá euro-USD, qua đó có tác động ngược lại đối với lạm phát thông qua đà tăng chi phí hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu. 

“Nếu sự khác biệt giữa lãi suất của Fed và ECB lên cao, đà giảm giá của đồng euro sẽ tác động mạnh mẽ tới lạm phát”,  Mark Wall cảnh báo. 

Đại Phú