Fica
  1. Quốc tế

Đức "nói không" với Viện Khổng Tử Trung Quốc

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Đức đưa ra sáng kiến nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu độc lập về văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử Trung Quốc, thay vì hợp tác với Viện Khổng Tử - những cơ sở vận hành bằng ngân sách của nhà nước Trung Quốc.

Đức nói không với Viện Khổng Tử Trung Quốc - 1

Bộ trưởng Giáo dục Đức Anja Karliczek (Ảnh: DPA).

Ngày 3/7, Bộ Giáo dục Đức thông báo đầu tư 28,4 triệu USD vào một dự án kéo dài từ năm 2017 tới 2024 nhằm xây dựng nền tảng kiến thức của nước này về Trung Quốc, và nâng cao năng lực độc lập về Trung Quốc trong các đại học và viện nghiên cứu, trong nỗ lực hạn chế ảnh hưởng của Bắc Kinh trong lĩnh vực giáo dục.

Mục tiêu của dự án là nhằm ủng hộ các hoạt động hợp tác về khoa học và nghiên cứu với Trung Quốc "dựa trên các giá trị của châu Âu", theo thông báo.

Bộ trưởng Giáo dục Đức Anja Karliczek nhấn mạnh rằng nước này vẫn muốn hợp tác với Trung Quốc và cần thêm những nhân tài hiểu về văn hóa, ngôn ngữ, xã hội và lịch sử Trung Quốc.

Tuy nhiên, bà Karliczek cho biết, những nỗ lực này phải được Đức thực hiện độc lập và kêu gọi các trường đại học dừng hợp tác với Viện Khổng Tử - các cơ sở giáo dục được chính phủ Bắc Kinh tài trợ ngân sách và chuyên mở các khóa học dạy văn hóa và ngôn ngữ Trung Quốc.

"Tôi không muốn chính phủ Trung Quốc gây ảnh hưởng lên các đại học và xã hội. Chúng ta đã để ra quá nhiều khoảng trống cho Viện Khổng Tử và làm quá ít để xây dựng năng lực độc lập về Trung Quốc ở Đức", quan chức Karliczek nhận định.

Từ năm 2006, có 19 Viện Khổng Tử được lập ra khắp cả nước Đức. Ít nhất 2 cơ sở đã bị đóng cửa vì những quan ngại về "tầm ảnh hưởng chính trị và rò rỉ thông tin".

Làn sóng nghi ngờ toàn cầu

Trung Quốc bắt đầu mở Viện Khổng Tử trên khắp thế giới từ năm 2004 trong một nỗ lực được cho là nhằm mở rộng sức mạnh mềm thông qua hoạt động giới thiệu văn hóa và ngôn ngữ. Viện Khổng Tử hiện có 500 cơ sở hoạt động trên 160 nước và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, nhiều cơ sở ở các nước như Mỹ, Canada, Australia và Thụy Điển đã phải đóng cửa vì những nghi ngờ xung quanh vai trò của chúng trong việc gia tăng lợi ích của Bắc Kinh và trở thành công cụ tuyên truyền cho Trung Quốc.

Mỹ đã bắt đầu "siết" hoạt động của Viện Khổng Tử tại nước này trong năm nay. Thượng viện Mỹ hồi tháng 3 thông qua dự luật đề xuất cắt giảm tài trợ liên bang của Mỹ cho bất kỳ trường cao đẳng hoặc đại học nào đặt Viện Khổng Tử trong khuôn viên, trừ khi viện này đảm bảo rằng trường cao đẳng hoặc đại học đó có toàn quyền điều hành nó, bao gồm cả những khoản tiền mà viện kiếm được và nhân sự làm việc tại viện.

Ngoài ra, Australia cũng thông qua đạo luật cho phép chính phủ hủy bỏ hợp đồng giữa các đại học và tổ chức giáo dục với Viện Khổng Tử nếu hoạt động của những cơ sở này đi ngược lợi ích quốc gia.

Hồi đầu tháng, Nhật Bản thông báo sẽ mở một cuộc điều tra về các Viện Khổng Tử. Họ sẽ yêu cầu các trường đại học có Viện Khổng Tử cung cấp các thông tin về ngân sách, số lượng sinh viên tham gia và trả lời câu hỏi liệu các cơ sở trên có can thiệp vào hoạt động nghiên cứu của trường đại học hay không. 

Đức Hoàng

Theo SCMP